Ba tấm vé mới nhất do các đội tuyển cử tạ và rowing đem về trong những ngày vừa qua đã nâng tổng số suất dự Olympic chính thức của thể thao Việt Nam đến thời điểm này lên con số 15. Danh sách này có thể chưa dừng lại khi một số đội tuyển như điền kinh, bơi vẫn đang trong hành trình tìm vé dự Olympic 2012.
Tại Giải vô địch châu Á rowing diễn ra tại Chunggju (Hàn Quốc), cặp vận động viên nữ Phạm Thị Hài – Phạm Thị Thảo đã giành Huy chương Đồng thuyền đôi nữ hạng nhẹ với thành tích 7 phút 18 giây 72, đồng nghĩa với việc giành vé dự Olympic 2012. Đây là hai gương mặt chủ chốt của đội tuyển rowing Việt Nam. Tại SEA Games 26, cặp đôi này đã đóng góp 2 Huy chương Vàng nội dung thuyền đôi và thuyền bốn nữ. Đây là lần đầu tiên rowing có vé chính thức dự Olympic. Tại Olympic Bắc Kinh 2008, rowing Việt Nam có vận động viên tham dự nhưng theo diện vé mời. Tấm vé này có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với đội tuyển vừa trải qua nhiều sóng gió sau vụ hai vận động viên bỏ trốn tại Ôxtrâylia.
Với việc giành Huy chương Bạc tại vòng loại vô địch châu Á, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn chính thức giành vé tới Olympic 2012. |
Tại vòng loại khu vực châu Á môn cử tạ diễn ra ở Pyeongtaek (Hàn Quốc), đội tuyển cử tạ cũng đã đạt được mục tiêu đề ra trước ngày lên đường: Giành 2 vé Olympic (1 nam, 1 nữ). Ở giải nam, lực sỹ Trần Lê Quốc Toàn đã sớm tự quyết định quyền tới Luân Đôn tranh tài sau khi giành Huy chương Bạc hạng 56 kg, đứng đầu trong số các vận động viên chưa đoạt vé trước giải đấu này. Ở giải nữ, đội tuyển Việt Nam đã kết thúc phần thi đấu với hạng 4 chung cuộc, lọt vào danh sách 6 đội đứng đầu được trao 1 vé Olympic. Hiện tại, cử tạ Việt Nam (nữ) đang đắn đo lựa chọn giữa 2 lực sĩ Nguyễn Thị Thúy (hạng cân 53 kg) và Phạm Thùy Dung (hạng cân 48 kg). Theo tiêu chí tuyển chọn của bộ môn cử tạ, vận động viên nào đoạt thành tích cao hơn sẽ được trao vé duy nhất, nhưng cả Thùy Dung và Nguyễn Thị Thúy đều giành hạng tư tại giải lần này ở các hạng cân của mình. Chính vì vậy, phải chờ quyết định cuối cùng từ Tổng cục Thể dục Thể thao và ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam.
Danh sách các VĐV Việt Nam giành vé chính thức dự Olympic 2012 tính đến thời điểm này
1.Phan Thị Hà Thanh (TDDC, nữ) 2. Phạm Phước Hưng (TDDC, nam) 3. Lê Huỳnh Châu (Teakwondo, nam) 4. Chu Hoàng Diệu Linh (Teakwondo, nữ) 5. Văn Ngọc Tú (Judo, nữ) 6. Hoàng Xuân Vinh (bắn súng, nam) 7. Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng, nữ) 8. Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh, nữ) 9. Nguyễn Thị Lụa (vật, nữ) 10. Đỗ Thị Ngân Thương (TDDC, nữ) 11. Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm, nam) 12. Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) 13. Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ, nam) 14. Cử tạ nữ (chờ xác định tên VĐV tham dự) 15. Phạm Thị Hài – Phạm Thị Thảo (rowing, đôi nữ) |
Với môn cử tạ, đây không chỉ là mục tiêu giành vé tham dự Olympic mà có thể coi là mục tiêu có huy chương của thể thao Việt Nam tại kỳ Thế vận hội lần này, đặc biệt là ở hạng cân 56 kg nam. Với việc sở hữu 2 lực sỹ xuất sắc ở hạng cân này là Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn, cử tạ Việt Nam đặt nhiều hy vọng sẽ gặt hái huy chương tại Olympic Luân Đôn, nhưng điều lệ quy định mỗi nước ở từng hạng cân sẽ chỉ được cử một vận động viên duy nhất góp mặt. Chính vì thế, bộ môn, ban huấn luyện buộc phải có sự lựa chọn dù biết không hề dễ dàng khi làm việc này. Trần Lê Quốc Toàn được tin tưởng nhiều hơn do thành tích thi đấu tốt hơn trong năm 2011, đó là Huy chương Đồng ở Giải vô địch thế giới và Huy chương Vàng SEA Games. Tuy nhiên, Thạch Kim Tuấn cũng là một lực sỹ trẻ nhiều triển vọng, đã mang về không ít thành công cho cử tạ Việt Nam. Chính vì thế, để tạo nên tính công bằng trong cuộc chạy đua giành suất duy nhất ở hạng cân 56 kg đến Luân Đôn, Tổng cục Thể dục Thể thao và ban huấn luyện đi đến quyết định, lực sỹ nào có thành tích tốt hơn tại vòng loại khu vực châu Á sẽ được chọn tham dự Olympic. Tại vòng loại khu vực châu Á, ở hạng cân 56 kg, có tổng cộng 9 lực sỹ tham gia thi đấu, nhưng cuộc tranh chấp huy chương chỉ nằm trong khả năng của Li Fabin (Trung Quốc), Trần Lê Quốc Toàn, Thạch Kim Tuấn (Việt Nam) cùng Setiadi Jadi (Inđônêxia). Ở nội dung cử giật, thành tích tốt nhất thuộc về Trần Lê Quốc Toàn và Li Fabin cùng đạt 126 kg ở lần cử thứ 3, Thạch Kim Tuấn có thành tích là 124 kg. Sang nội dung cử đẩy, cuộc đua giữa Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Setiadi Jadi và Li Fabin tiếp tục căng thẳng. Tuy nhiên, sau khi Thạch Kim Tuấn không thành công ở mức tạ 150 kg, cuộc đua giành ngôi đầu hạng 56 kg chỉ còn là cuộc đua song mã giữa Trần Lê Quốc Toàn (VN) và Li Fabin (Trung Quốc). Kết quả Trần Lê Quốc Toàn đã giành Huy chương Bạc và giành vé chính thức tham dự Olympic 2012.
Trước đó, tay kiếm Nguyễn Tiến Nhật đã đoạt vé dự Olympic Luân Đôn 2012 sau khi lọt vào chung kết kiếm ba cạnh tại vòng loại Olympic khu vực châu Á. Nữ vận động viên thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương cũng nhận được tin cô đã chính thức giành vé dự Olympic Luân Đôn 2012. Như vậy, thể dục dụng cụ đã có 3 vận động viên, và thể thao Việt Nam có 10 người tham gia Thế vận hội tới. Ngân Thương là vận động viên nữ thứ ba của khu vực Đông Nam Á giành vé, sau Phan Thị Hà Thanh và Heem Wei Lin (Xinhgapo). Tại giải tuyển chọn ở Luân Đôn, do chấn thương chân chưa bình phục nên Ngân Thương chỉ đạt 41,466 điểm, thua xa thành tích 52,100 điểm mà cô đã giành được ở Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên giải này tuyển chọn số lượng vận động viên khá lớn, nên dù điểm số thấp nhưng cô vẫn nằm trong danh sách dự bị để cuối cùng nhận được tấm vé đến Olympic.
Yến Nhi