Một cơn bão lớn đã quét qua châu Âu trong mùa hè 2013 và xới tung mọi thứ. Đây có thể được xem là một kỳ chuyển nhượng bất thường nhất trong lịch sử: Đâu đâu người ta cũng nói đến những vụ chuyển giao quyền lực trên ghế HLV, thay vì chuyện mua bán món hàng chính là cầu thủ.
HLV Jose Mourinho lần thứ hai dẫn dắt Chelsea. |
Đúng như dự báo, quyết định “rửa tay gác kiếm” của Sir Alex Ferguson đã châm ngòi cho một chuỗi phản ứng đôminô trên khắp các giải vô địch hàng đầu châu Âu. Từ Anh, qua Tây Ban Nha, Italia, cho tới Đức, Pháp, nơi nào cũng thấy sự xáo trộn lớn trên băng ghế chỉ đạo. Lý do thì có nhiều: Kết thúc hợp đồng, thất bại về thành tích, tìm kiếm thách thức mới, hay đơn giản hơn là giống như Ferguson - giải nghệ.
Ra đi tự nguyện
Một sự ra đi ắt phải kéo theo một sự thay thế. Đó là quy luật tất yếu trong nghề HLV. Một cầu thủ ngôi sao có thể được thay thế hoặc không, nhưng HLV thì bắt buộc đội nào cũng phải có. Huyền thoại Ferguson nói lời giã từ “sân khấu” bóng đá sau 18 năm và 28 danh hiệu cùng với Manchester United, để lại một khoảng trống mênh mông tại sân Old Trafford. Dù rất tiếc nuối, nhưng nhà vô địch Premier League không còn cách nào khác ngoài việc phải tìm kiếm người kế nhiệm. Cuối cùng, đồng hương Xcốtlen của Ferguson là David Moyes đã được lựa chọn. Ngoài tài năng, Moyes còn là mẫu HLV trung thành và được đánh giá là thích hợp với Man Utd. Vị trí mà Moyes bỏ lại ở Everton thì được tiếp quản bởi Roberto Martinez, một HLV cũng đã để lại dấu ấn sau một thời gian làm việc tại Wigan.
Tương tự như vậy, tại Bundesliga, Jupp Heynckes đã rời cuộc chơi (giải nghệ) sau một mùa giải lịch sử cùng với Bayern Munich: Giành cú ăn ba - Bundesliga, Cúp quốc gia Đức và UEFA Champions League. Đội bóng xứ Bavaria đã chuẩn bị rất sớm cho tình huống này, bằng cách đạt được thỏa thuận với Pep Guardiola từ tháng 1/2013. Thời điểm đó, Guardiola là người tự do sau khi chia tay Barcelona và ông đã được chờ đợi tới Chelsea hay Manchester City, nhưng cuối cùng, HLV người Tây Ban Nha đã bị thuyết phục bởi mô hình làm bóng đá hiện đại và ổn định của Bayern.
Kẻ khóc, người cười
Trong cái vòng quay tít mù đó, nỗi bất hạnh của người này nhiều khi lại là niềm hạnh phúc của kẻ khác. Ví dụ như tại Man City, phương pháp huấn luyện của Roberto Mancini đã không còn được đánh giá cao, sau khi “người láng giềng ầm ĩ” bị Man Utd truất ngôi tại Premier League và đặc biệt là sau 2 mùa giải thất bại liên tiếp của Man City ở Champions League. HLV người Italia bị sa thải và Manuel Pellegrini đã không do dự chộp lấy cơ hội này. Cũng là tiền bạc của người Arập, nhưng giữa Man City và Malaga là cả một sự khác biệt lớn. Pellegrini sẽ không còn phải lo lắng về tài chính như tại Malaga, nhưng đổi lại, áp lực thành tích đang đè nặng lên HLV người Chilê này hơn bao giờ hết.
Tại Real Madrid, sau trận thua Borussia Dortmund ở bán kết Champions League mà Jose Mourinho mô tả là “thất bại lớn nhất trong sự nghiệp”, HLV người Bồ Đào Nha buộc phải rời sân Bernabeu cùng với một mùa giải trắng tay danh hiệu. Người đàn ông vốn nổi tiếng về khả năng quản lý phòng thay đồ đã bị sa lầy trong cuộc xung đột với một số trụ cột của Real Madrid. Một HLV kinh nghiệm và điềm tĩnh hơn đã tới lấp khoảng trống của Mourinho: Carlo Ancelotti. Trong khi đó, Mourinho tiếp tục giữ phong cách “Người đặc biệt” khi lựa chọn quay trở lại Chelsea và ẩn mình dưới cái mác “Người hạnh phúc”.
Mourinho tái xuất ở sân Stamford Bridge cũng đồng nghĩa với việc Rafael Benitez bị đẩy ra đường, sau một nửa mùa giải đóng thế và sau khi đem lại cho Chelsea chức vô địch Europa League. Benitez thậm chí còn không có thời gian để tự an ủi mình về thói đời bạc bẽo, bởi ngay lập tức, HLV người Tây Ban Nha cũng đã được Napoli mời về thế chỗ Walter Mazzari - người đã quyết định gia nhập Inter Milan.
Tại Paris SG, trang sử Ancelotti cũng được lật qua rất nhanh. Cựu HLV đội tuyển Pháp, Laurent Blanc, được lựa chọn nhằm biến khối tài sản khổng lồ của các ông chủ người Cata trở thành một thế lực thực sự, không chỉ ở Ligue 1 mà cả ở Champions League.
Nhìn chung, cả 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu đều đã chứng kiến những biến động mạnh trên ghế HLV trong mùa hè này, trong đó, tốp 3 Premier League 2012-2013 cùng có HLV mới. Vì thế, bức tranh bóng đá châu Âu mùa giải tới được dự báo sẽ có nhiều sắc thái mới. Tại Anh, kỷ nguyên thống trị của Man Utd đang đối mặt với những thách thức lớn. Tại Tây Ban Nha, phong cách “Tiqui-taca” của Barcelona cũng sẽ bị đe dọa bởi trường phái Italia cổ điển của Ancelotti. Tại Cúp châu Âu, cùng với Guardiola và cú hat-trick vừa qua, Bayern đã có được bàn đạp cần thiết để hy vọng thống trị sân chơi này trong một thời gian dài… Rất đáng được chờ đợi!
Song Long