Giải đua xe danh giá nhất trong năm Tour de France đã đi được 2/3 chặng đường. Chặng 16 trong tổng số 21 chặng đua đã kết thúc, áo vàng chung cuộc trong phần lớn thời gian là cuarơ người Anh Christopher Froome. Khởi đầu khốc liệt và những diễn biến bất thường trong từng chặng đua hứa hẹn thêm một lần nữa Tour de France sẽ kết thúc đầy hấp dẫn.
Khởi đầu khó khăn
Tour de France luôn là giải đua khắc nghiệt nhất của làng đua xe thế giới. Giải đua kéo dài trong suốt hơn 3 tuần lễ và xen giữa chỉ có 2 ngày nghỉ. Hết đường trường lại tới leo núi, 3.360 km thực sự thử thách các tay đua. Bởi vậy, sau nhiều năm lùm xùm với doping, với những kỷ lục bị phá bỏ cũng vì các tay đua liều mình phạm luật mà sử dụng các chất cấm, Tour de France phải từng bước lấy lại danh tiếng.
Chris Froome dẫn đầu ở đoạn đổ đèo đang phải đối mặt với nghi án doping. Ảnh: Reuters |
Tour de France 2015 không có nhiều rắc rối về doping, nhưng đổi lại, giải đấu có màn khởi đầu mà các tay đua nhận xét là khó khăn nhất từ trước tới nay do tính cạnh tranh cao. Ngay từ chặng 1, Rohan Dennis đã may mắn về đích trong chặng đua tính giờ này, khi anh vượt qua cuarơ về nhì và ba với khoảng cách chỉ là 0,5 và 0,6 giây. Tiếp tục chặng hai, từ Utrecht đến Zelande dài 166 km, thế nhưng cua rơ về nhất André Greipel cũng chỉ có thể tận dụng lợi thế nho nhỏ để nhất chặng khi về đích gần như cùng một thời điểm với hai cuarơ còn lại là Peter Sagan và Fabian Camcellara. Tiếp tục đến chặng đua thứ ba cũng kéo dài gần 160 km, nhưng Joaquim Rodriguez về nhất chặng cũng gần như cán đích đồng thời với Chris Froome. Với thành tích này, Chris Froome dù chưa nhất chặng đua nào, vẫn giành được chiếc áo vàng chung cuộc kể từ chặng đua thứ 3.
Đáng chú ý, cạnh tranh khắc nghiệt của Tour de France kéo theo những tai nạn. Tuy số lượng tai nạn không nhiều hơn những mùa giải trước, nhưng điểm mấu chốt là những cuarơ gặp nạn đều là những người tiềm năng cạnh tranh ngôi vô địch năm nay. Chặng 3 xảy ra tai nạn khi tốc độ đoàn đua lúc đó khoảng 40 km/h và khoảng 20 tay đua đâm sầm vào nhau, nhiều người còn va đập vào cột đèn, trong khi số khác văng ra xa. Vụ tai nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến Cancellara, vốn bắt đầu chặng đua với tư cách áo vàng. Anh nhịn đau, tiếp tục thi đấu và hoàn thành chặng đua với gần 12 phút sau người về nhất, trước khi nhập viện. Chris Froome hoàn tất cuộc “chiếm áo” ở chặng này. Vụ tai nạn này sau đó được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hơn 100 năm của giải đua xe đạp danh giá bậc nhất thế giới.
Đến chặng 6, nhà vô địch thế giới về đua tính giờ là Tony Martin đã gặp tai nạn sau một vụ đổ xe dây chuyền ở gần vạch đích tại Le Havre. Lúc này, Tony Martin vừa được mặc chiếc áo vàng chung cuộc khi kết thúc chặng 5. Kết quả, cua rơ này bị gãy xương đòn và không còn lựa chọn khác là rút lui và về nước thực hiện phẫu thuật. Trong tai nạn này, các ứng cử viên vô địch khác như Chris Froome, Nairo Quintana, và Tejay van Garderen cũng bị nạn nhưng chỉ mình Tony Martin là chịu hậu quả nặng nề.
Chuyện ồn ào với Chris Froome
Có được chiếc áo vàng chung cuộc chưa bao giờ là điều dễ dàng trong một cuộc đua mà sự cạnh tranh bám đuổi gay gắt như ở Tour de France. Nhưng song hành với chiến thắng lại là những lời đồn đoán ác ý.
Tay đua đang giữ áo vàng Froome là một trong những tay đua hiệu quả nhất ở đường núi hiện nay. Thế nhưng việc anh có được thuận lợi về thành tích ở những chặng đường bằng, khiến chiếc áo vàng chung cuộc của anh bị đặt dấu hỏi. Nỗi ám ảnh doping khiến người ta nghi ngờ bất kỳ ai có thành tích tốt ngay cả với cua rơ 30 tuổi gốc Kenya từng vô địch giải năm 2013 cũng như nhiều năm liền có ít nhất 5 lần về nhất chặng. Không chỉ có Froome, đội Team Sky bị đồn là có VĐV sử dụng doping.
Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi Chris Froome bị các CĐV bên đường hắt nước bẩn vào người khi đang trên đường chạy ở chặng leo núi đầu tiên, chặng đua thứ 10. Ở chặng này, lần đầu tiên Froome đã về nhất chặng trước sự truy cản quyết liệt của các tay đua sau và trước cả sự căng thẳng tâm lý.
Để lấy lại thanh danh, đội trưởng đội Team Sky Dave Brailsford yêu cầu Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI) chính thức can thiệp để khẳng định các tay đua của họ là trong sạch.
Vẫn chưa có những bằng chứng xác thực nào cho thấy Froome sử dụng doping. Dù vậy, những tranh cãi ầm ĩ cùng một số hình ảnh không đẹp đã cho thấy giải đua xe đạp danh tiếng nhất thế giới đang ngày càng mất niềm tin sau quá nhiều các tiền án doping. Từ 1998 - 2013, hơn một phần ba số cuarơ giành áo vàng chung cuộc đều dính líu đến doping.