Số phận cuối cùng cũng đã công bằng với Lionel Messi: Anh đã có mặt ở một trận chung kết World Cup. Câu hỏi duy nhất còn lại lúc này: Đó sẽ là Messi của Maradona 1986 hay của Maradona 1990?
Nghịch lý lịch sử
Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, bóng đá thế giới vẫn luôn xem Pele và Diego Maradona là hai tượng đài không thể công phá. Một người từng giúp Brazil giành Cúp Nữ thần vàng một cách vĩnh viễn (3 lần vô địch World Cup) và được suy tôn là “Vua”, còn một người thì khiến giới mộ điệu khóc không hết nước mắt, vì cái “tài” và cả những cái “tai” của ông. Không nghi ngờ gì, họ sẽ vẫn mãi đứng đó với thời gian, sừng sững. Nhưng nếu một người nào đó có thể làm lung lay, dù chỉ đôi chút, những lá phiếu bầu cầu thủ vĩ đại nhất thế giới trong lần bình chọn tiếp theo, thì đó có lẽ sẽ là Messi.
Messi đang có cơ hội lần đầu tiên vô địch thế giới. Ảnh: zimbio
|
Hàng thập kỷ đã trôi qua và thế giới bóng đá cũng đã sản sinh ra không biết bao nhiêu cầu thủ tài năng, vĩ đại. Thế nhưng, ngay cả Ronaldo, dù đã giúp Brazil chinh phục đỉnh cao thế giới lần thứ 5 và từng giữ kỷ lục ghi bàn tại World Cup (15 bàn) cho tới khi bị Miroslav Klose phá bỏ vào ngày 8/7 vừa qua, có lẽ cũng không được nhiều người mến mộ về tài nghệ chơi bóng như Messi. Nếu ai còn nghi ngờ, hãy đặt câu hỏi tại sao Messi, ở tuổi 27, đã 4 lần liên tiếp giành được Quả bóng vàng FIFA (từ năm 2009 - 2012). Trong cả sự nghiệp lừng lẫy của mình, Ronaldo - “Người ngoài hành tinh” cũng chỉ có 2 Quả bóng vàng. Thật ngạc nhiên, nhưng Pele và Maradona thậm chí không một lần sở hữu danh hiệu này.
Điều đáng tiếc duy nhất đối với Messi và người Argentina tính đến thời điểm này, là anh đã trở nên vĩ đại khi khoác áo Barcelona, thay vì trong màu áo đội tuyển quốc gia. Messi đã đi xuyên qua World Cup 2006 rồi World Cup 2010 như một cái bóng và đã có lúc bị xem là một nghịch lý lịch sử. Nhiều câu lạc bộ hàng đầu châu Âu đã nằm rạp dưới chân anh, nhưng tại sao không phải như vậy khi Leo mặc chiếc áo Albiceleste (sọc trắng - xanh)? Tại sao? Tại sao?...
Chờ khoảnh khắc Maracana
Những khắc khoải đó cuối cùng cũng đã phần nào được thỏa, khi Messi đang tạo nên một World Cup của riêng anh. Và thật kỳ lạ, đó tiếp tục là một nghịch lý: Trong một năm hiếm hoi mà Barca trắng tay danh hiệu, trong một năm mà Cristiano Ronaldo ẵm Quả bóng vàng FIFA và trong một năm mà hình ảnh Messi nôn khan không còn là chuyện hiếm, Messi của Argentina đang là Messi của Barca, là Maradona của Argentina một thuở.
Ngày 25/6 vừa qua, tức là 1 ngày sau sinh nhật thứ 27 của mình, Messi đã nâng số bàn thắng của anh ở World Cup lần này lên con số 4. Ở độ tuổi đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ đó - không còn quá trẻ cho những bồng bột, cũng không quá già cho sự bùng nổ - Messi thực sự đang gợi lại hình ảnh của Mario Kempes năm 1978 và Maradona năm 1986, những cá nhân vĩ đại trong một tập thể không quá xuất sắc, những người góp công chính trong 2 chức vô địch thế giới của Argentina tính đến thời điểm này.
Quyết định chiến thắng trước Bosnia-Herzegovina và Iran, khai thông bế tắc trước Nigeria, kiến tạo bàn thắng trước Thụy Sỹ, mở khóa hàng thủ Bỉ và là người đầu tiên bước lên thực hiện quả 11m trước Hà Lan (và thành công), đó chính là Messi mà người Argentina chờ đợi suốt gần một thập kỷ qua. Với chiếc băng thủ quân ở cánh tay, Messi vừa ghi bàn, vừa kiến tạo, vừa đóng vai trò thủ lĩnh, chèo lái con thuyền Albiceleste vượt qua giông bão.
Rồi họ đến được cái đích Maracana, một cột mốc mà Argentina đã phải chờ đợi suốt 24 năm. Không phải là Monumental (Buenos Aires) của năm 1978, cũng không phải Azteca (Mexico City) của năm 1986, nhưng Maracana (Rio de Janeiro) của năm 2014 cũng đang cồn cào gọi tên một người Argentina. Vâng, Messi, đây chính là trận đấu cuộc đời của anh! Hoặc anh sẽ là Maradona của ngày đăng quang 1986, sau chiến thắng 3-2 nghẹt thở trước Đức. Hoặc anh sẽ là Maradona đẫm nước mắt của năm 1990, với thất bại 0-1 ở trận đấu cuối cùng, vẫn trước người Đức. Maracana, Messi và một lần nữa là Đức. Một lần thôi và mãi mãi…
Song Long