Viết sách luận võ
Học võ từ năm lên 7, bây giờ tuổi đã quá thất thập, chất võ dường tạc nên hình hài Võ Kiểu: Đôi mắt cương nghị, tiếng nói sang sảng, dáng đi rắn chắc. Cụ sinh nhai bởi võ, sống cùng võ và viết sách cũng luận về võ.
Võ sư đã cho in hơn chục đầu sách. Có sách ghi lại những mẩu chuyện võ lâm trong dân gian, hoặc những chuyện chính mình tai nghe mắt thấy. Với tư cách là lương y, võ sư còn viết sách liệt kê những bài thuốc dân gian. Về võ công, cụ biên tập chuyên đề nghiên cứu các bài võ như Phụng hoàng quyền pháp, Lạc long quyền pháp… lưu hành nội bộ Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Năm 14 tuổi, Võ Kiểu nhận bằng huấn luyện viên võ Ta. Từ năm 1966, cụ là Tổng thư ký Liên đoàn Quyền thuật miền Trung. Hòa bình lập lại, cụ tham gia làm huấn luyện võ thuật, sáng lập, nghiên cứu viên của nhiều lò võ miền Trung. Trong năm nay, sau khi thôi chức Trưởng ban cố vấn Trường phổ thông võ thuật Bảo Long (Hà Nội), cụ được bầu làm cố vấn kỹ thuật môn võ học dân tộc thuộc Học viện võ sư Kang Duk Won.
Từ những người nông dân dùng võ Ta đoạt súng Tây, dùng gọng bừa giết giặc đến chuyện những võ sư lừng lẫy trên sàn đài… từ những cuộc đấu không sàn đài đến những sàn đài nghẹt thở người xem…, tất cả hiện lên sinh động trên trang sách của cụ. “Tôi viết sách với mong muốn người ta biết đến lịch sử võ Ta, biết được truyền thống cha ông dùng võ để đánh giặc giữ nước như thế nào”, - cụ nói.
Cụ đã được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tặng bằng khen vì những đóng góp cho sự nghiệp phát triển võ Ta, cũng được Bộ VH-TT&DL trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VH-TT&DL.
“Cái đập ngực tự hào”
Theo võ sư Võ Kiểu, “võ Ta” là tên gọi của người mình nói về võ của dân tộc mình; người Pháp gọi “võ Ta” là võ An Nam (Annammite), người Mỹ gọi là võ Việt Nam (Vietnam martial arts). Năm 1991, tên gọi “võ Ta” được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đổi tên thành “võ cổ truyền Việt Nam”. Với tên gọi mới, người ta thường gọi tắt là võ cổ truyền, có thể làm nhầm với võ cổ truyền của bất kỳ dân tộc nào. Còn tên gọi “võ Ta”, như một cái đập ngực tự hào về một môn võ gắn bó với dân tộc từ hàng ngàn năm qua, tại sao lại bỏ. Nhưng đâu chỉ tên gọi. Võ Ta bây giờ còn rất nhiều bất cập, mà nếu không có biện pháp hữu hiệu, thì việc biến mất hoàn toàn của nó không là chuyện xa vời.
Một số đầu sách của võ sư Võ Kiểu. |
Theo võ sư, bây giờ có tình trạng người ta thay đổi cấu trúc nhiều đòn thế, cấm đoán những miếng đánh thực dụng, dẫn đến việc, võ Ta ngày càng mang tính biểu diễn. Trong khi đó, với lối đánh “Dĩ công vi thủ, dĩ nhu chế cương, dĩ đoản chế trường”, chú trọng đến việc trườn sát đất, thoắt cái áp sát đối phương rồi tung đòn quyết định, rất phù hợp với dáng hình nhỏ bé của người Việt. “Võ Ta hình thành trong quá trình đánh giặc giữ nước, rất thực dụng; vẫn biết những đòn thực dụng không được phép dùng trong thi đấu, nhưng không phải vì thế là loại bỏ hẳn những đòn thế ấy ra khỏi giáo trình giảng dạy.” – võ sư nói.
Với tính chất của võ Ta, trong thi đấu không cần phải phân loại võ sĩ theo hạng cân. Nhưng, bây giờ, rất nhiều nơi thi đấu còn phân loại hạng cân. Đáng bàn, là nhiều nơi xoá bỏ hệ thống thi đấu trên võ đài đã tồn tại hàng trăm năm bằng tấm thảm, giống y chang cách thi đấu của Judo, Pencak Silat...
Quan ngại hơn, nhiều người còn nhầm lẫn võ Ta với võ Trung Quốc. Trong cách đặt tên võ phái, họ thường gắn 2 từ thiếu lâm vào tên môn phái: Thiếu Lâm Sơn Động, Thiếu Lâm Trúc Động… Theo võ sư, trong khi hai môn này hoàn toàn khác nhau: bài võ Ta có một bài thơ kèm theo, gọi là thiệu; võ Tàu cũng có thiệu, nhưng rời rạc từng câu; những bài quyền, thảo, binh khí, võ Ta chỉ triển khai theo hai hướng trước mặt và sau lưng, trong khi các bài võ Tàu, cả quyền thảo lẫn binh khí được triển khai rất nhiều hướng…
Từ đấy, dẫn đến thực trạng tên gọi “Võ thuật cổ truyền Việt Nam” đang bị lạm dụng. Người ta lấy ở môn võ này một đòn thế, môn võ kia một đòn thế, tự gọi là võ Ta. “Võ cổ truyền đã không còn cổ. Võ cổ truyền Việt Nam phải là chính nó trước khi nghĩ đến với tư cách là một môn võ mang tầm quốc tế.” - võ sư khẳng định.
Cụ Kiểu trăn trở rằng, rất nhiều bạn trẻ khi lựa chọn môn võ, đã chọn những môn võ xuất xứ từ nước ngoài mà quên hẳn võ Ta, rất phù hợp với thể hình, tâm sinh lý của người mình. “Nhiều môn sinh thậm chí không biết người sáng lập ra võ phái. Người học võ phải biết về các bậc võ thuật có công với nước, gọi là võ triết; phải biết chữa bệnh, gọi là võ y; phải có đạo đức, tức võ đức. Tiếc rằng, võ sư rất nhiều, nhưng rất ít người biết được một bài thuốc chữa bệnh.” – cụ nói.
Năm 1253, triều Trần lập Giảng Võ Đường, từ đấy võ thuật càng gắn bó mật thiết hơn với công cuộc đánh giặc giữ nước. Trong văn có võ, trong võ có văn. Võ Ta, mang trong mình nó cả một truyền thống của dân tộc. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, thì việc biến mất hoàn toàn của nó không là chuyện xa vời.