Giai đoạn lượt về của V-League 2013 đã khởi tranh vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, sau những dấu hiệu hết sức tích cực ở lượt đi về chất lượng giải đấu, về số lượng khán giả… thì việc tổ chức giải lại đang đứng trước những thách thức lớn, đặc biệt là công tác trọng tài.
Tổ trọng tài dính nghi án nhận tiền bồi dưỡng. Ảnh: Nguyễn Việt |
Dư chấn từ nghi án 4 trọng tài nhận tiền bồi dưỡng ở vòng 3 V-League đang khiến giới cầm còi không khỏi bị phân tâm, trong khi chính Ban tổ chức giải cho biết, khoảng 10 trọng tài khác cũng nằm trong nhóm bị tình nghi nhận tiền từ các CLB.
Giai đoạn tập huấn trọng tài giữa mùa giải vừa được tổ chức ở Đà Nẵng, với sự tham gia của 67 trọng tài, chuẩn bị cho hành trình lượt về của V-League và giải hạng Nhất. Kết thúc đợt tập huấn, con số này giảm xuống còn 62, do 5 trọng tài bị rơi rớt vì không đáp ứng được yêu cầu thể lực, trong đó có 3 trọng tài FIFA. Trước sự khốc liệt và tính chất phức tạp của cuộc đua lên - xuống hạng ở cuối mùa giải, số lượng trọng tài bị cắt giảm như vậy rõ ràng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sắp xếp, bố trí nhân sự điều hành các trận đấu.
Năm nay, số đội tham dự V-League và hạng Nhất đều giảm, kéo theo số trận giảm xuống. Nếu theo tính toán của Ban trọng tài, số lượng trung bình các trận đấu của mỗi trọng tài năm nay giảm khoảng 1/2 so với mùa giải 2012. Đây là hệ lụy tất yếu của việc có tới 7 CLB V-League và hạng Nhất bị giải thể do khó khăn về tiền bạc. Lịch trình giải đấu vì thế đã bị hoãn lên hoãn xuống, ảnh hưởng lớn tới công tác tổ chức giải. “Hầu bao” của trọng tài cũng vơi đi đáng kể.
Lâu nay, nghề cầm còi chỉ là công việc tay trái của nhiều người, bởi nghề chính của họ là giáo viên, nhân viên các sở, ban, ngành... Nhưng vài năm trở lại đây, đời sống và chế độ của trọng tài được cải thiện, khiến các lớp đào tạo trọng tài được mở ra rất nhiều. Không ít người đã xác định cho mình con đường làm trọng tài chuyên nghiệp. Tuy nhiên, con đường đó cũng đang cho thấy rủi ro: Số lượng trận đấu mùa này ở 2 giải chuyên nghiệp bị giảm sút, khiến nhiều trọng tài phải “ngồi chơi xơi nước”.
Ngày 9/6, Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ra quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đối với lần lượt Trưởng ban và Phó trưởng Ban trọng tài VFF, Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn, để phối hợp điều tra với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an (C45), về nghi vấn một nhóm trọng tài nhận tiền bồi dưỡng trái quy định trong một trận đấu V-League 2013. Tổ trọng tài bị nghi ngờ nhận “hối lộ” gồm: Trọng tài chính Đinh Hải Dương, 2 trợ lý Phạm Đắc Chiến, Đỗ Mạnh Hà và trọng tài thứ tư Kiều Việt Hùng. Các trọng tài này đã cùng làm việc trong trận Thanh Hóa - Hoàng Anh Gia Lai (1-0), ngày 30/3, thuộc vòng 3 V-League 2013. Quyết định trên của VFF hiện gây ra những luồng ý kiến khác nhau. Ngoài vấn đề của các trọng tài, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi: Liệu có sự bao che cho nhân viên từ Ban trọng tài? Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao và cũng là Phó Chủ tịch chuyên môn VFF, quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như của Tổng cục TDTT là “kiên quyết tìm ra sự thật” của vụ việc. Đây là điều hết sức cần thiết để VFF có thể xử lý nghiêm các trọng tài trong trường hợp vi phạm, đồng thời khôi phục công tác và đặc biệt là danh dự cho các trọng tài, Ban trọng tài nếu sự thật không phải như vậy. |
Sau khi nghi án 4 trọng tài V-League “ăn tiền” nổ ra, việc tiếp cận và đề nghị phỏng vấn các trọng tài là hết sức khó khăn, bởi hầu như ai cũng “thủ thế”. Một trọng tài chính thổi giải hạng Nhất (giấu tên) thổ lộ: “Ở giai đoạn lượt đi vừa rồi, tôi chỉ được cầm còi đúng 4 trận. Không phải ở hạng Nhất, mà tình trạng ở V-League cũng thế. Trọng tài FIFA Võ Minh Trí cũng chỉ thổi 4, 5 trận ở lượt đi V-League thôi. Tiền thổi chính 1 trận hạng Nhất là 4 triệu đồng, còn ở V-League là 6 triệu đồng. Con số này đã sụt đi 20% so với mùa trước. Tính cả tiền đi lại 500.000 đồng/ngày trong 4 ngày công tác, cộng với 300.000 đồng/ngày trong 3 ngày không làm nhiệm vụ, tôi thu được 7 triệu đồng trong 1 tuần đi thổi xa nhà. Ba tuần còn lại trong tháng, tôi chỉ nhận thêm 3 triệu đồng tiền ăn khi không cầm còi. Tính ra, mỗi tháng kiếm được 10 triệu đồng. Như thế vẫn không đủ lo cho mình và gia đình, nên vẫn phải tranh thủ thổi thêm các giải phong trào. So với năm trước, chúng tôi bị mất đến 2/3 tiền chế độ, lại càng buồn hơn khi cơ hội ra sân cầm còi bị thu hẹp”.
Theo những người trong nghề, các trọng tài có “mác” FIFA như Võ Minh Trí nếu thổi thêm giải châu lục thì thu nhập có thể lên đến 70 - 80 triệu đồng/tháng, còn trọng tài V-League nếu ra sân thường xuyên cũng kiếm được 50 triệu đồng/tháng. Song đó là ở mùa giải trước. Còn năm nay, giữ được nửa thu nhập đó đã là quá mừng. Tuy nhiên, chi phí đi lại, tiêu pha… khiến cuối cùng số tiền trọng tài bỏ túi không còn bao nhiêu. Những trọng tài không giữ được lập trường, vì thế rất dễ bị mờ mắt trước những phong bao “tàu xe”, “chè thuốc”. Đó cũng là lý do khiến hai ủy viên Ban trọng tài vừa “đấu đá” nhau, một ông tố cáo ủy viên còn lại “nhận nhầm tiền chế độ” khi làm giám sát ở một giải đấu.
Nghi án 4 trọng tài Đinh Hải Dương, Phạm Đắc Chiến, Kiều Việt Hùng, Đỗ Mạnh Hà nhận tiền “hối lộ” lên tới 100 triệu đồng, rốt cuộc cũng mới chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Trưởng BTC V-League Trần Duy Ly vừa phát biểu trước giới trọng tài ở Đà Nẵng, rằng có 10 trọng tài khác cũng lọt tầm ngắm vì nhận tiền “bẩn”.
Tại sân chơi bóng đá Việt Nam, vì thành tích trước mắt, một số CLB không tiếc tiền “bắn thủng” trọng tài bằng “viên đạn bọc tiền”. Sẽ rất khó cho trọng tài trước cám dỗ đó nếu họ không có ý thức tự bảo vệ mình, cũng như nếu không nhận được sự hỗ trợ từ BTC giải hay Ban trọng tài. Nghề nghiệp rõ ràng vẫn chưa thực sự tạo sự ổn định về thu nhập, để các “Vua sân cỏ” toàn tâm, toàn ý cho công việc cầm còi lắm gian truân của mình.
Nguyễn Tuấn