Bóng đá Trung Quốc đang giống như một quả bóng được các “đại gia” thổi phồng lên, nhưng nguy cơ nổ vỡ cũng rất cao.
Drogba (trái) và Anelka đều đã đến Trung Quốc, rồi “biến mất” rất nhanh. Ảnh: fifa.com |
Didier Drogba đến Shanghai Shenhua vào mùa hè năm 2012, với một bản hợp đồng 2 năm rưỡi và nhận lương 320.000 USD mỗi tuần. Anh gia nhập một đội bóng mà trước đó không lâu đã có được sự phục vụ của Nicolas Anelka. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau, cả hai ngôi sao đều ra đi. Điều gì đã xảy ra với giải bóng đá vô địch quốc gia Trung Quốc, khiến các cầu thủ hàng đầu phải nói lời chia tay?
Ấn tượng tích cực
Giải VĐQG Trung Quốc không nằm trong tốp đầu của châu Á. Giải còn thua kém nhiều mặt so với các giải đấu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia hay vài nước khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển kinh tế chung của đất nước, giải VĐQG Trung Quốc đã được chú trọng đầu tư mạnh từ các ông chủ lắm tiền, nhiều của. 13/16 đội của giải thuộc sở hữu của các “đại gia” bất động sản. Việc các cầu thủ nước ngoài, thậm chí rất nổi tiếng, đến chơi bóng ở Trung Quốc không còn xa lạ.
Sự xuất hiện của Drogba và Anelka đã tạo ra cảm giác về một làn gió cách mạng mới trong nền bóng đá Trung Quốc. Ngoài 2 ngôi sao này, chỉ trong một thời gian ngắn, Seydou Keita, Freddie Kanoute và Lucas Barios đều đến với đất nước này. Sau đó Yakubu và Fabio Rochemback cũng lần lượt có mặt. Đáng chú ý, tiền vệ người Argentina Dario Conca đã trở thành một trong những cầu thủ được hưởng lương cao nhất thế giới (12,5 triệu USD mỗi năm) khi anh này gia nhập Guangzhou Evergrande.
Nhìn qua, có thể thấy được đây là cách làm bóng đá của những người có tiền và muốn mua thành công mà không cần chờ đợi lâu – một hiện tượng phổ biến ở một số nước Tây Á hay Mỹ. Quả thực, sự góp mặt của các ngôi sao lớn thế giới, từ cầu thủ cho đến huấn luyện viên (Jean Tigana của Shanghai Shenhua hay Marcelo Lippi của Evergrande), đã giúp nâng cao tên tuổi của giải VĐQG Trung Quốc, nâng chất lượng giải đấu này lên một mức nhất định. Bằng chứng là Guangzhou Evergrande đã vào đến trận chung kết của AFC Champions League năm nay.
Nguy cơ đáng lo ngại
Tuy nhiên, thực tế không luôn như mong muốn. Bộ mặt tươi đẹp của bóng đá Trung Quốc không đến mức giả tạo, nhưng không hề bền vững. Các ngôi sao đến và đi chỉ trong vòng 1 - 2 năm. Lương cao hấp dẫn họ, nhưng chất lượng giải đấu không như kỳ vọng lại đẩy họ đi. Yếu tố chuyên môn là nguyên nhân quan trọng, các ngôi sao không cảm thấy thỏa mãn với những gì đạt được. Anelka chỉ ghi được 3 bàn, Drogba khá hơn với 8 bàn sau 11 trận nhưng đội bóng chỉ xếp thứ 9, một phần vì tập thể CLB nói chung có đẳng cấp không cao và chơi bóng “thiếu tổ chức”.
Tính chuyên nghiệp ở bóng đá Trung Quốc được đánh giá là rất kém. Chính Shanghai Shenhua đã bị Drogba và Anelka tố cáo trả lương chậm trễ. Tháng 4/2012, HLV và cũng là cựu ngôi sao của bóng đá Pháp, Jean Tigana, đã bị CLB này sa thải, ngay khi ông đang chuẩn bị cho một trận đấu. Anelka, người chưa có kinh nghiệm huấn luyện, được đưa lên làm HLV kiêm cầu thủ và tất nhiên là không thành công. Thời điểm đó, dư luận nhìn vào đội bóng giàu có này với sự ngán ngẩm vì tình hình “rối như canh hẹ”. Chris Killen, một cựu cầu thủ đã chơi ở Trung Quốc 2 năm, nói rằng bóng đá nước này rất thiếu tính chuyên nghiệp từ người tổ chức, chẳng hạn cầu thủ chỉ được cho biết thời điểm luyện tập vào đêm hôm trước.
Đáng lo ngại hơn, nạn dàn xếp tỷ số hiện hữu nhiều năm qua đã không ít lần gây chấn động cả Trung Quốc. Năm 2009, giới chức nước này đã mở một chiến dịch cải cách bóng đá, bắt giữ hàng loạt trọng tài, cầu thủ và HLV. Có đến 12 đội bóng đã bị phạt vì liên quan đến tiêu cực. Chức vô địch năm 2003 của Shanghai Shenhua thậm chí còn bị tước. Một cựu cầu thủ Trung Quốc tuyên bố rằng trước chiến dịch này, khoảng 30% số trận đấu ở Trung Quốc bị dàn xếp.
Một số người cho rằng lương thấp cho các cầu thủ nội địa là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đó. Trong khi Anelka và Drgoba kiếm được hàng trăm nghìn USD, họ chỉ được trả 320 USD một tuần, khiến nguy cơ bị cám dỗ gian lận là rất cao. Tuy lương cầu thủ nội ở Trung Quốc đang tăng lên, nhưng mức chênh lệch quá lớn với ngoại binh cho thấy sự phân biệt đối xử của các ông chủ với chính cầu thủ của mình.
Nợ là một nỗi đau đầu khác của các đội bóng. Dalian Shide sẽ bị mua lại vì không thể trả nợ. Còn Guangzhou Evergrade đã nợ 12,8 triệu USD trong năm ngoái. Các CLB Trung Quốc không có nhiều thu nhập từ bản quyền truyền hình hay bán sản phẩm như ở châu Âu, vì họ không tạo ra đủ sự quan tâm. Các ông chủ chỉ coi CLB là dự án để tìm kiếm các mối quan hệ chính trị và kinh doanh, do đó số nợ cứ tăng lên mà không được quản lý tốt. Chính vì cách làm bóng đá ít vì bóng đá như vậy đang đẩy giải VĐQG Trung Quốc vào bế tắc.
Trần Anh