Sau thất bại của đội tuyển Nga tại World Cup 2014, báo chí Nga đã chĩa mũi dùi công kích vào huấn luyện viên (HLV) Fabio Capello, người có mức lương cao nhất trong số các huấn luyện viên dự giải vô địch thế giới năm nay.Lương của ông Capello gấp 4 lần tổng mức lương của các HLV đội tuyển Bỉ, Hàn Quốc và Algeria gộp lại nhưng ông đã không thể đưa nổi "Gấu Nga" tới bất kỳ chiến thắng nào trong một bảng đấu còn xa mới được gọi là bảng tử thần như Bảng H.
Đội tuyển Nga đã rời World Cup đầu tiên của họ sau 12 năm hệt như cái cách họ đã rời nó lần trước - bị đánh bại ngay từ vòng đấu bảng - và lúc này những người yêu bóng đá Nga không thể không trăn trở với câu hỏi lớn: Làm sao có thể biến Nga thành một đội bóng được tôn trọng trong 4 năm tới khi nước này lần đầu tiên đăng cai World Cup.
Một cầu thủ Nga (trái) trong trận đấu với Nigiera. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Artur Petrosyan, Tổng Biên tập trang mạng "Tin nhanh Thể thao", cho rằng hiển nhiên không ai hài lòng với cách thi đấu của đội tuyển Nga dưới sự cầm quân của ông Capello. Ông Petrosyan nói: "Nga chỉ là một đội bóng hạng trung. Vậy tại sao chúng ta lại cần phải có huấn luyện viên đắt giá nhất thế giới?"
Tương tự, nhà báo Valery Reingold viết trên tờ "Thể thao Sovetsky" rằng thất bại của Nga trước Bỉ là "100% lỗi của Capello". Nhà báo này viết: "Ông ấy nói đó là một trận đấu lớn. Capello định lòe ai đây? Tôi không hề nhìn thấy đường lối chiến thuật nào ở đó, chỉ có sự hỗn loạn... Tôi không hiểu được logic cầm quân của ông ấy".
Trái với truyền thông, giới chức bóng đá Nga lại dành sự chỉ trích lên các cầu thủ hơn là vị huấn luyện viên người Italy. Suy cho cùng thì chính ông Capello là vị huấn luyện viên ngoại đã đưa được Nga trở lại đấu trường World Cup sau 12 năm vắng bóng và có vẻ như điều đó đủ để ông tiếp tục được giữ công việc cùng mức lương khủng của mình thêm 4 năm nữa, dẫn dắt đội tuyển Nga thi đấu tại World Cup đầu tiên trên sân nhà vào năm 2018.
Ông Vyacheslav Koloskov, một quan chức bóng đá Nga hàng đầu nói: "Tôi nghĩ Capello vẫn đang đi đúng hướng. Cái chính là cầu thủ của chúng ta thiếu kỹ năng với quá nhiều đường chuyền và cú sút thiếu chuẩn xác".
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Nga Anatoly Vorobyov cho rằng bóng đá Nga cần được xây dựng một cách có hệ thống và đều đặn để nâng lên một tầm cao mới, và rằng không có gì đảm bảo 4 năm sẽ là đủ để công việc này gặt hái kết quả.
Một cuộc thăm dò trước khi World Cup 2014 khai cuộc cho thấy chỉ có 7% người Nga nghĩ rằng đội tuyển sẽ không vượt qua được vòng đấu bảng, và thậm chí có tới 18% nghĩ rằng Nga sẽ vô địch giải năm nay. Với những người am hiểu bóng đá Nga, kết quả khảo sát này chỉ ra một thực tế rằng không phải người Nga quá kỳ vọng vào đội nhà mà bởi đơn giản họ chẳng quan tâm gì đến thực tế bóng đá cũng như giải đấu đang diễn ra ở Brazil.
Theo nhà bình luận Pavel Zanozin, cổ động viên Nga chỉ quan tâm đến đội tuyển khi họ bắt đầu thi đấu tốt chứ không như những "cổ động viên thực thụ" ở Anh, Đức hay Hà Lan luôn sẵn sàng chia sẻ chiến thắng hay thất bại của đội tuyển. Ông nói: "Các bạn còn nhớ có bao nhiêu người đến xem trận giao hữu cuối cùng của Nga gặp Morocco trước World Cup không? 8.000 người. Bạn nghĩ các cầu thủ muốn thi đấu cho các bạn khi mà các bạn chẳng mảy may quan tâm hay sao?"
Nhà bình luận Zanozin cũng chỉ ra thực trạng khiến bóng đá Nga chưa thể cất cánh: "Chúng ta không phát triển bóng đá trẻ, chúng ta không đầu tư vào hạ tầng. Chúng ta chỉ muốn mua những cầu thủ đã phát triển và chúng ta để mất những cầu thủ trẻ tài năng".
Tại World Cup 2014, Nga là đội duy nhất không có cầu thủ nào chơi bóng ở nước ngoài. Sự thiếu cọ xát ở đấu trường quốc tế đã khiến nhiều cầu thủ Nga bị "ngợp" khi tham dự một giải đấu như World Cup, bởi một lỗi nhỏ nhất họ mắc phải cũng có thể biến thành bàn thắng cho đối phương. Thủ môn đội tuyển Nga Igor Akinfeev nói: "Ở giải đấu trong nước Nga, chúng tôi chơi với một nhịp độ khác. Còn ở đây mọi người tranh bóng đến phút giây cuối cùng".
Đỗ Sinh