Ba tuần trước, khi EURO 2012 bắt đầu, đội tuyển Italia được báo chí Đức mô tả là một thứ "spaghetti, pizza và catenaccio", là "một thế giới điên rồ và tham nhũng" trong mắt báo chí Anh, là "một triết lý bóng đá sặc mùi Italia" theo cách nghĩ của dư luận Pháp, và là "một phong cách chơi phòng ngự" theo quan niệm của người Tây Ban Nha.
Nhưng sau khi Italia đánh gục Anh trong trận tứ kết trên sân Kiev, những kẻ chỉ trích Italia nặng nề nhất hình như quên mất mình đã nói gì và đổi tông 180 độ. Nhật báo thể thao hàng đầu của Tây Ban Nha "Marca" chạy dòng tít bằng tiếng Italia "Italia bella" (Italia tuyệt vời), đồng thời ca ngợi Italia chơi thứ bóng đá bật tường thật huyền ảo.
Nhật báo Pháp L'Equipe: "Italia vô cùng xứng đáng thắng". Trong khi đó, một số tờ báo Anh, sau khi không tiếc lời chỉ trích đội bóng của Roy Hodgson là hèn nhát, đã thẳng thừng khẳng định rằng: "Công lý đã được thiết lập".
Nhưng Anh không phải Đức. Đội bóng của Joachim Low không phải là đội bóng đã chơi một thứ bóng đá phòng ngự "nhờ nhờ" thiếu bản sắc mà Hodgson đã đem đến EURO. Đức là một sản phẩm hoàn hảo của một nước Đức lúc nào cũng mạnh mẽ, là đầu tầu của cả châu Âu, và do đó, đương nhiên không muốn đứng sau ai vì bất cứ lý do gì. Đội bóng ấy đang tổn thương.
Kể từ sau thất bại chết điếng trước Italia ngay trên sân nhà ở World Cup 2006, họ đã thua Tây Ban Nha ở chung kết EURO 2008 và lại thua tiếp Tây Ban Nha ở bán kết World Cup 2010. Bây giờ, đội bóng trẻ trung, đa sắc tộc ấy bước vào cuộc phục thù với Italia bằng một bảng thành tích đáng nể: Họ là đội vào bán kết duy nhất thắng cả 4 trận đã đấu (và ghi tới 9 bàn), đã vào đến trận bán kết thứ 4 liên tiếp trong các giải đấu EURO và World Cup kể từ 2006.
Họ có thêm một lợi thế nữa: Đức được nghỉ nhiều hơn Italia 2 ngày, và trận nào cũng chỉ có 90 phút, không có trận nào phải dùng đến loạt luân lưu để kết thúc trận đấu như Italia đã phải trải qua với Anh. Người Italia biết rõ một điều, là Đức rất ngán họ. Báo chí Đức đã than vãn ầm ĩ là, "Tại sao chúng ta luôn phải gặp họ?", trong khi tiết lộ rõ ràng là nữ thủ tướng Angela Merkel và bộ sậu của bà ủng hộ Anh thắng Italia để Đức gặp Anh, nhằm thi đấu "dễ hơn".
Đức "ngán" Italia chẳng có gì ngạc nhiên. Lịch sử cho thấy cứ gặp Đức là Italia có những kỷ niệm đẹp. Họ chưa từng thua Đức một lần nào trong các trận đấu ở những giải đấu lớn.
Đội tuyển Đức luyện tập tại sân vận động ở Gdansk ngày 25/6, chuẩn bị cho trận bán kết ngày 29/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Dường như mỗi thế hệ cầu thủ Italia lại có những kỉ niệm rất đẹp khi đụng đầu với Đức. Đối với những người nay đã ở tuổi 70, trận bán kết World Cup Mêhicô 1970 mà Italia thắng 4-3 ở hiệp phụ chắc chắn sẽ là trận đấu thế kỉ đối với họ, trận đấu lãng mạn của một thời bóng đá không thể nào quên.
Đối với những người năm nay 40 tuổi hoặc 50 tuổi, trận chung kết World Cup Espana 1982 giữa Italia và Đức cũng sẽ đi vào trái tim họ như là một trong những trận đấu đẹp nhất. 11/7/1982, sân Bernabeu, những bàn thắng của Rossi-Tardelli-Altobelli. Chắc chắn pha ăn mừng với hai cánh tay giơ lên vẫy vẫy, mắt nhòa lệ của Tardelli sẽ đi vào lịch sử như là một trong những pha ăn mừng lãng mạn nhất.
Đối với thế hệ trẻ, thì đêm Dortmund 2006, với bàn thắng ở phút thứ 119 của Grosso và sau đó là bàn thắng trong một pha phản công của Del Piero. Lần gặp nhau mới nhất trong một trận giao hữu, khi Prandelli mới lên nắm quyền, hai đội đã hòa nhau 1-1 với các bàn thắng của Klose và Giuseppe Rossi.
Tổng kết lại, người Đức chỉ thắng được Italia 7 lần trong 30 cuộc gặp gỡ, và đã thua 14 lần.
Những con số của lịch sử quả là biết nói, nhưng không ai sống bằng quá khứ. Quá khứ không được tính. Hiện tại mới là điều mà người ta nên sống trong đó.
Chính những cầu thủ Đức đã tuyên bố điều này trong cuộc họp báo trước trận. Oezil, một trong số những cầu thủ được xếp vào nhóm "không thể đụng đến" cho rằng, "so với 2 năm trước ở World Cup, chúng tôi đã trưởng thành hơn, chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng tôi có thể đánh bại Italia".
HLV thủ môn Koepke, người đã từng đứng trong khung thành của Đức cách đây 16 năm, khi họ đoạt chức vô địch EURO 1996: "Những con số chẳng có ý nghĩa gì hết". Người Italia phản thùng khi Pirlo, bừng sáng và được cả thế giới ca ngợi sau cú "xúc thìa" vào lưới Joe Hart trong trận thắng đội Anh, tuyên bố: "Đội Đức sợ chúng tôi". Báo chí hai nước đã tuyên chiến với nhau bằng những lời có lửa. Chẳng hạn tờ Bild của Đức viết: "Italia, giờ chúng ta tính sổ với nhau".
Một kết luận mở: Với những tuyên bố trong phòng họp báo và trên những tít báo, chẳng ai có thể chiến thắng được các trận đấu. Lịch sử đứng về phía Italia, nhưng hiện tại là của người Đức. Điều gì sẽ xảy ra sau 90 phút, hoặc hơn, trong trận bán kết 2 trên sân Warsaw?
Anh Ngọc (từ Kiép)