Từ một đội bóng “Đương kim vô địch”, nhưng chỉ trong chớp nhoáng, đội bóng ấy lại không thể chiến thắng nổi lấy một trận. Trong một tháng, một tuần hay chỉ sau một ngày, từ người hùng lại trở thành tội đồ - đó chỉ có thể là bóng đá.
Vị đắng nghề HLV
Khi Di Matteo bị ngập trong chê trách thì những cái tên khác có chút dính dáng đến nghề HLV như Pep Guardiola đang đi chơi ở New York, Rafa Benitez là cái tên được nhắc đến hậu Di Matteo hay Jose Mourinho đang ung dung với những thành tích hiện tại. Họ cùng có chung một thứ gọi là công việc, nhưng vị đắng - ngọt của nó thì không phải ai cũng dễ dàng cảm nhận.
Là người có công mang về chiếc cúp Champions League cho Chelsea nhưng Di Matteo vẫn phải ra đi khi Chelsea tụt dốc. Ảnh: AFP - TTXVN |
Nghề HLV hiện nay ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Mỗi chiến thắng mà họ có, mỗi quyết sách mà họ làm đều ảnh hưởng đến mục tiêu kinh doanh của ông chủ đội bóng. Và kết cục là từ người chỉ biết đến kỹ thuật, chiến thuật thì nay các HLV còn biết đến cảm xúc, biết đến nước mắt. Kể từ thời của Roman Abramovich nắm quyền quản lý đội bóng, đội bóng áo xanh luôn có sức ép của một đội bóng đặc biệt, đội bóng phải thắng.
Và họ chưa bao giờ được phép ngừng cố gắng vì điều ấy. Và kể từ đó, HLV nào của Chelsea cũng bị đổ lỗi cho sự tuột dốc của đội bóng. Mỗi trận cầu của Chelsea cũng như một cuộc thử thách tài cầm quân của quản trị gia Roberto Di Matteo.
Tuy nhiên, vụ việc của Di Matteo là lời cảnh báo cho một thứ bóng đá hiện đại. Sức ép cho các HLV ở ba CLB được xem là “ông lớn” tại giải Ngoại hạng Anh (Chelsea, Manchester xanh và đỏ) là ngang nhau. Thực tế tại các CLB lớn cho thấy, kết quả kinh doanh là quan trọng nhất. Những thử nghiệm chỉ được chấp nhận khi nó cho kết quả khả quan.
Không dễ gì mới có một mùa bóng mà Man City được đầu tư tới cả tỉ đô la Mỹ và gần một thập kỷ gần đây, Man City cũng được đầu tư kha khá cho mục tiêu trở thành đội bóng có tiếng tăm trên toàn cầu. Ấy thế nhưng bộ ba hậu vệ của Mancini thi đấu mờ nhạt và liên tục khiến Man City phải rượt đuổi tỉ số.
Tiền được chi ra, nhưng nguồn lợi mà nó mang lại phải nhanh chóng được nhìn thấy, nếu không anh sẵn sàng bị thay thế bởi các tài năng khác từ Braxin, Tây Ban Nha, Đức hay Áchentina. Và trong bóng đá hiện đại, mỗi một quyết sách sai lầm về marketing đồng nghĩa với cả triệu fan bị sụt giảm trên Facebook.
Nếu xét ở góc độ ảnh hưởng trực tiếp, rõ ràng là chưa nhìn thấy tác động nhưng xét về lâu dài, người ta sẽ hiểu được đội bóng bị thiệt hại đến đâu. Những fan hâm mộ ấy đi đâu, rất có thể họ qua ủng hộ Liverpool. Và như thế rõ ràng là ảnh hưởng tới mục tiêu kinh doanh của CLB. Di Matteo thì bị quy kết khiến cho cả hàng hậu vệ lỏng lẻo, thất bại trong mục tiêu trở lại ngôi vị bốn đội dẫn đầu mùa giải của Chelsea.
Một loạt các HLV khác của giải Ngoại hạng Anh cũng đang bị chỉ trích gồm Nigel Adkins bị cho là nhà cầm quân không hề biết ra quyết định trong mùa giải này. Mark Hughes bị cho là khiến cả đội QPR nhiễu loạn. Thậm chí ngay cả Martin O'Neill cũng suýt nữa hứng chịu búa rìu dư luận nếu Sunderland không may mắn thắng được trên sân khách một trận từ tháng hai.
HLV tại một CLB giàu có
Người ta nói, Chelsea trở thành CLB từng vô địch Champions League đầu tiên phải ra về ngay từ vòng bảng sau trận thua 0-3 trước Juventus và vì thế HLV của khiến đội bóng có thành tích kém cỏi ấy phải ra đi. Điều này trái ngược hẳn với những gì được tung hô tám tháng trước khi anh giúp Chelsea đoạt cú đúp Champions League và Cup FA. Đội bóng dưới sự chỉ đạo của Di Matteo cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan mùa này, tính đến trước giai đoạn sa sút vừa qua.
Kỷ nguyên Roman Abramovich ở Chelsea, từ 2003, chứng kiến cảnh CLB này thay HLV như thay áo. Hai trong số các HLV được Abramovich ưng ý là Avram Grant và Guus Hiddink. Trong đó, Guus Hiddink đã có thể ra đi trong thế ngẩng cao đầu năm 2009. Còn lại cả bảy nhà chiến lược còn lại làm việc ở Stamford Bridge dưới thời tỷ phú Nga đều có chung kết cục - bị sa thải. HLV Claudio Ranieri, HLV của giai đoạn cũ để lại là người đầu tiên biết được thế nào là ông chủ luôn luôn đúng.
Người có thể trụ vững tại Chelsea suốt bốn năm là Jose Mourinho. Khi HLV này ra đi, rất nhiều CĐV Chelsea tiếc nuối. Nhưng trong nội bộ, những cãi vã, căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm giữa hai con người được cho là “không đội trời chung”.
Trong danh sách các HLV bị sa thải còn có Andre Villas-Boas và Luiz Felipe Scolari khi trở thành các HLV có thành tích tồi tệ nhất nhì trong thời của Abramovich.
Mùa giải 2008, Scolari chính thức trở thành HLV mới của Chelsea, thay thế HLV người Ixraen Avram Grant vừa bị sa thải. Nhiệm vụ hàng đầu của ông là đem về cho Chelsea thêm nhiều danh hiệu vô địch, nhất là danh hiệu UEFA Champions League.
Scolari đã được Chủ tịch Chelsea Roman Abramovich tuyên bố sẽ chi 500 triệu USD để ông tăng cường cầu thủ. Trái với kỳ vọng, trong thời gian tám tháng làm HLV tại Chelsea, ông Scolari đã trải qua 36 trận, trong đó thành tích của Chelsea là thắng 20, hòa 11 và thua 5 khiến Chelsea rơi xuống vị trí thứ tư và gần như mất luôn cơ hội vô địch Premier League
Mùa hè 2011, Villas-Boas chính thức trở thành HLV của CLB Chelsea sau khi CLB Porto đồng ý với số tiền là 15 triệu euro để phá vỡ hợp đồng. Ở tuổi 33, Villas-Boas là HLV trẻ nhất trong lịch sử Premier League.
Nhưng trái với kỳ vọng, thành tích của Chelsea dưới thời Villas Boas rất tồi tệ, kèm theo đó là những bất ổn trong nội bộ đội bóng. Một số trụ cột mà điển hình là Frank Lamprad đã thẳng thắn công khai mối quan hệ bất hòa của mình với Villas Boas.
Tính đến vòng 27 Premier League, Chelsea đứng ở vị trí thứ 5 (không nằm trong nhóm dự UEFA Champions League) và cách đội đầu bảng Man City 17 điểm. Đây là thành tích kém cỏi nhất so với các “triều đại “ trước đó tại sân Stamford Bridge và đặc biệt là so với The Blues của HLV Carlo Ancelotti mùa giải trước. Sau trận thua West Brom trên sân khách với tỷ số 0-1 tại vòng 27 Premier League, trên trang chủ của Chelsea xác nhận tỷ phú Roman Abramovich đã chính thức sa thải Villas Boas, chấm dứt tám tháng làm việc ngắn ngủi của ông tại sân Stamford Bridge.
Theo nguồn tin không chính thức, số tiền Chelsea đền bù cho Villas Boas là 20 triệu bảng cho những năm hợp đồng còn lại.
Tuy nhiên người thử thách không chỉ là các ông chủ mà là những người hâm mộ. Nếu những ông chủ không chịu nổi cảnh phải trả lương cao cho một người bị cho là chịu trách nhiệm cho mọi thất bại thì các CĐV cũng mất dần lòng tin và sự ủng hộ cho những HLV thất bại. Họ cần có người kế nhiệm và làm được tốt hơn thế và đó mới chính là sức ép dành cho các vị HLV.
L.S