Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 24/11, kể từ khi được tổ chức vào năm 1930, 13 quốc gia châu Phi đã tham gia World Cup. Chỉ 3 trong số đó lọt vào tứ kết: Cameroon (1990), Senegal (2002) và Ghana (2010). Tuy nhiên, không nước nào trong số họ từng lọt vào bán kết.
Các cầu thủ châu Phi đang thi đấu “tràn ngập” ở nhiều nền bóng đá châu Âu, với nhiều người trong số họ là những cầu thủ xuất sắc thế giới. Vậy tại sao các đội tuyển quốc gia ở lục địa châu Phi lại bị tụt lại phía sau?
“Trong những năm gần đây, các cầu thủ châu Phi ngày càng có chất lượng cao, chơi cho một số câu lạc bộ tốt nhất trên thế giới và thậm chí còn cạnh tranh cho danh hiệu Quả bóng Vàng. Điều này làm phong phú bóng đá châu Phi”, cựu tuyển thủ Maroc Yacine Abdessadki nói.
Tuy nhiên, Yacine Abdessadki cho rằng vẫn còn những yếu tố khác đang kìm hãm các đội tuyển bóng đá châu Phi ở cấp độ quốc tế.
Thứ nhất là dựa quá lớn vào thủ lĩnh tinh thần. Abdessadki, cựu cầu thủ của câu lạc bộ (CLB) Strasbourg (Pháp) và SC Freiburg (Đức) nhận xét các đội châu Phi thường phụ thuộc quá nhiều vào những ngôi sao lớn nhất.
Cựu cầu thủ Maroc giải thích: “Về mặt văn hóa, ở châu Phi, chúng tôi có xu hướng không áp dụng với những thứ từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn ở châu Âu hoặc Nam Mỹ, đặc biệt là về khía cạnh tinh thần”.
Với Abdessadki, ngay cả cầu thủ xuất sắc nhất thế giới cũng không biết phải làm gì với trái bóng trong những tình huống căng thẳng. Đó là vấn đề về sự chuẩn bị tinh thần, điều ảnh hưởng trực tiếp đến màn trình diễn trên sân cỏ.
“Các đội như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ hay Brazil luôn chơi bóng rất mạch lạc. Ngay cả khi gặp áp lực, họ vẫn tuân thủ chiến thuật. Mặt khác, những đội chuẩn bị kém hơn có xu hướng chỉ phá bóng càng xa càng tốt trong những tình huống căng thẳng", Abdessadki nói.
Thứ hai là các đội tuyển quốc gia châu Phi thường thiếu tầm nhìn rõ ràng và kế hoạch dài hạn. Karim Haggui, cựu hậu vệ người Tunisia, từng chơi cho CLB Bayer Leverkusen, Hannover 96 và Fortuna Düsseldorf cùng nhiều đội bóng khác, nói: “Bạn không thể bất ngờ tham gia một giải đấu lớn nào đó và đặt mục tiêu cao như lọt vào tứ kết. Điều đó là quá muộn”.
Đối với Haggui, bóng đá châu Phi thiếu những kế hoạch phát triển dài hạn: "Phải có một chiến lược đào tạo, phải làm việc để nâng cao trình độ bóng đá ở châu Phi, và phải đầu tư vào đào tạo huấn luyện viên".
Đó cũng là ý kiến của cựu hậu vệ Hans Sarpei, người từng 36 lần khoác áo đội tuyển quốc gia Ghana. Ông Sarpei tin rằng các liên đoàn châu Phi cần tập trung hơn, đặt mục tiêu như lọt vào bán kết World Cup và đề ra thời hạn 12 năm để đạt được điều đó.
"Không có gì đảm bảo 100% rằng điều này sẽ hiệu quả. Nhưng nếu bạn nhìn vào Đức hoặc thậm chí là Pháp, bạn sẽ thấy có những quốc gia đề ra kế hoạch này", cựu hậu vệ trên chia sẻ.
Thứ ba là vấn đề thiếu đầu tư. Để xây dựng một đội ngũ nhân sự có năng lực và thực hiện một dự án với tất cả các công việc kỹ thuật, thể chất và tinh thần cần có thời gian, nhưng trên hết vấn đề là tiền bạc. Về mặt này, các đội châu Phi vẫn còn khoảng cách rất xa so với những đối thủ ở châu Âu hoặc Nam Mỹ.
Vào năm 2021, tổng ngân sách của Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) là hơn 249 triệu euro, với phần dành cho thể thao thành tích cao nhất chiếm khoảng 65 triệu euro. Để so sánh, ngân sách của hiệp hội bóng đá Cameroon FECAFOOT vào năm 2020 chỉ tương đương 12,7 triệu euro.
Tuy nhiên, việc thiếu kinh phí không phải là lý do duy nhất dẫn đến thành tích kém tại các kỳ World Cup trước. Đối với Abdessadki, đó còn là do số lượng các đội tham gia từ châu Phi.
"Đó là một vấn đề về xác suất. Có ít đội châu Phi tại World Cup hơn các đội châu Âu hoặc Nam Mỹ. Vì vậy, theo thống kê, ít có khả năng một trong những đội này có thể lọt vào vòng 4 đội cuối cùng".
Cho đến World Cup 1998 tại Pháp, khi lần đầu tiên 5 suất được dành cho liên đoàn bóng đá châu Phi, chỉ có 3 đội châu Phi được thi đấu với những đội mạnh nhất thế giới. Điều đó có nghĩa là ngay cả những đội ổn định nhất cũng thiếu kinh nghiệm ở đấu trường cao nhất.
Với 8 lần tham dự, Cameroon có thành tích được chơi ở World Cup nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia châu Phi nào, nhưng như Haggui chỉ ra: "Điều đó không tệ, nhưng nó chỉ bằng một nửa so với một số đội hàng đầu của Nam Mỹ hoặc châu Âu".
Trong kỳ World Cup 2018 tại Nga, lần đầu tiên không có đội châu Phi nào vượt qua vòng bảng kể từ năm 1982. World Cup năm nay tại Qatar, áp lực đang đặt lên vai Senegal, Cameroon, Ghana, Tunisia và Maroc để đảm bảo rằng điều đó không lặp lại.