Cựu danh thủ - tượng đài bóng đá Việt Nam Phạm Huỳnh Tam Lang (ảnh) đã qua đời sáng 2/6. Một tin buồn cho những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam, đặc biệt với người hâm mộ bóng đá Sài Gòn.
Danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang sinh ngày 14/2/1942 tại Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang). Tam Lang đã được người hâm mộ biết đến với tư cách là cầu thủ trẻ xuất sắc, xuất thân từ bóng đá học đường ở trường trung học Petrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong). 15 tuổi, Tam Lang tham gia đội bóng Các ngôi sao Chợ Lớn. Với tài năng thiên bẩm, lối đá hào hoa, kỹ thuật nhưng cũng vô cùng chắc chăn, 18 tuổi, Tam Lang đã được gọi vào đội tuyển miền Nam. Chàng trai đất Gò Công nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình khi sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam. Tam Lang cũng là một trong những đội trưởng trẻ nhất của đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam khi ấy. Đây là điều khiến tên tuổi của Phạm Huỳnh Tam Lang trở nên đặc biệt ấn tượng vào thời điểm đó. Dưới sự dẫn dắt tài tình của người đội trưởng Tam Lang, đội tuyển miền Nam Việt Nam đoạt chức vô địch giải bóng đá Merdeka vào năm 1966 tại Malaysia. Với những thành tích ấn tượng của mình, Tam Lang cùng với cựu danh thủ Đỗ Thới Vinh (có biệt danh là Vinh đầu sói) được gọi vào đội tuyển các ngôi sao châu Á năm 1966, ngay sau khi giành cúp Merdeka ở Malaysia. Để rồi hơn nửa thế kỷ sau ngày ấy, ông lại được LĐBĐ châu Á (AFC) tôn vinh là một trong những cầu thủ vàng của châu lục.
“Phi phạm lỗi bất thành hậu vệ” - đấy là câu nói mà người ta thường dùng trong bóng đá khi nói đến các hậu vệ, nhất là các trung vệ. Nhưng với Phạm Huỳnh Tam Lang thì lại là một ngoại lệ. Thi đấu ở vị trí trung vệ, nhưng ông luôn thi đấu hào hoa, chiến thắng đối thủ bằng kỹ thuật, chứ không bằng tiểu xảo và cũng không cần dùng đến những pha phạm lỗi để giành lại bóng hoặc ngăn cản đối phương.
Không chỉ chinh phục người hâm mộ bóng đá Việt bằng tài năng - cả trên cương vị cầu thủ lẫn huấn luyện viên - ông Phạm Huỳnh Tam Lang còn là một tấm gương sáng về đạo đức. Triết lý bóng đá đẹp, bóng đá cao thượng được ông thổi vào nghề HLV, để sau này, khi đã treo giày, rồi theo công tác huấn luyện, Phạm Huỳnh Tam Lang cũng là người đặt nền móng cho lối chơi đẹp và quyến rũ nổi tiếng của Cảng Sài Gòn. Rất nhiều thế hệ cầu thủ nổi danh của bóng đá TP.HCM nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung sau này chịu ảnh hưởng bởi phong cách lịch lãm, đúng thương hiệu Tam Lang như Hà Vương Ngầu Nại, Nguyễn Hồng Phẩm, Đặng Trần Chỉnh… trước đây, hay Huỳnh Hồng Sơn, Trần Quan Huy, Nguyễn Văn Phụng, Hồ Văn Lợi… sau này.
Dẫn dắt đội Cảng Sài Gòn trong vai trò “thuyền trưởng”, ông đã cùng học trò của mình giành được bốn chức vô địch (1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002) cùng hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia (1992, 2000), và hàng chục ngôi vô địch ở các giải bóng đá khu vực phía Nam...
Cuộc đời Phạm Huỳnh Tam Lang gắn liền với bóng đá Sài Gòn. Dù sức khỏe không còn được tốt nhưng ngày ngày ông vẫn đến sân để xem các em nhỏ tập chơi bóng đá. Nó khác hẳn cái ngày cuối mùa giải 2007, lúc đội bóng Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn rớt xuống hạng Nhất. Khi ấy dù đã không còn huấn luyện, nhưng danh thủ Tam Lang vẫn đến sân mỗi tuần để xem đội thi đấu và rất nhiều lần người ta thấy khuôn mặt thẫn thờ của ông trên chiếc ghế ở khán đài sân Thống Nhất khi trận đấu kết thúc. Với cựu danh thủ này vẫn mong một ngày nào đó cái tên Cảng Sài Gòn sẽ tái hiện.
Và lớn nhất có lẽ là tình yêu mà người hâm mộ dành cho Phạm Huỳnh Tam Lang. Người hâm mộ yêu quý ông, kính trọng ông - một sự kính trọng đối với người thầy mực thước.
Lê Sơn