Một lần nữa, Cúp Nữ thần vàng sẽ lại thuộc về châu Âu hoặc Nam Mỹ, sau khi kết quả vòng tứ kết đã xác định ra tốp 4 của World Cup lần này: Argentina, Brazil (Nam Mỹ) và Đức, Hà Lan (châu Âu).
Đòn knock - out
Sự thống trị của châu Âu và Nam Mỹ là điều đã được dự báo từ trước, sau khi châu Phi sạch bóng sau vòng 1/8 và chỉ còn lại “hiện tượng” Costa Rica lẻ loi giữa những tên tuổi lớn ở vòng tứ kết. Tại đó, sự trẻ trung và lãng mạn cuối cùng đã phải nhường bước trước đẳng cấp và kinh nghiệm. Trải qua 2 vòng đấu loại trực tiếp, những đòn knock - out ở vòng tứ kết mới thực sự cho thấy bản lĩnh và sức mạnh của các ứng cử viên vô địch.
Đức - Brazil và Argentina - Hà Lan là những cuộc đối đầu kinh điển. |
Câu chuyện cổ tích của Costa Rica đã được viết thêm một chương trước Hà Lan. Đội bóng Trung Mỹ, với sự tỏa sáng của thủ thành Keylor Navas, đã làm nản lòng những chân sút xuất sắc nhất của “Cơn lốc màu da cam”. 90 phút, rồi 120 phút, kịch bản của trận thắng Hy Lạp tại vòng 1/8 đã hiện về thật rõ ràng với Costa Rica. Tuy nhiên, ở lằn ranh giới giữa “tồn tại hay không tồn tại” ấy, nhà chiến lược Louis van Gaal của Hà Lan đã đi một nước cờ khó tin: Tim Krul vào thay Jasper Cillessen, chỉ để bắt 11m. Và Krul cản phá thành công 2 quả sút của Costa Rica. Mộng đẹp của “Ticos” tan tành.
Không như Hà Lan, cả Đức và Argentina đều hạ knock - out đối thủ từ rất sớm và rất khôn ngoan, với cùng tỷ số 1 - 0. Gặp Pháp, việc Đức sử dụng trung phong Miroslav Klose ngay từ đầu giống như một đòn nhử tay trái, trước khi họ tung ra một cú đấm móc bằng tay phải, với pha đánh đầu của Mats Hummels (phút thứ 13), hạ gục những chàng trai trẻ áo lam đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm. Tương tự như vậy, giữa những chỉ trích nhằm vào Gonzalo Higuain, HLV Alejandro Sabella vẫn cương quyết với sự lựa chọn của mình và số 9 của Argentina đã lên tiếng đúng lúc (phút thứ 8).
Thi đấu thiếu thuyết phục kể từ đầu giải, nhưng đội chủ nhà Brazil vẫn có những “lá bùa hộ mệnh” để tiến bước tới điểm hẹn Maracana rạng sáng 14/7. Nếu như “lá bùa hộ mệnh” đó là Neymar tại vòng bảng, là Julio Cesar tại vòng 1/8, thì ở trận tứ kết derby Nam Mỹ với Colombia (2 - 1), sự khác biệt của Brazil nằm ở cặp trung vệ: Đội trưởng Thiago Silva đưa bóng vào lưới bằng... đầu gối (phút thứ 7) và David Luiz có cú sút phạt trực tiếp uy lực từ rất xa (phút thứ 69).
Châu Âu hay Nam Mỹ?
An ủi duy nhất đối với những người đã phải xách va ly về nước là tài năng trẻ James Rodriguez của Colombia đang có cơ hội giành Chiếc giày vàng của giải, sau khi đã ghi được 6 bàn thắng. Ở vòng tứ kết vừa qua, các ứng cử viên khác như Lionel Messi (Argentina), Neymar (Brazil) hay Thomas Mueller (Đức) đều im tiếng và hiện cùng có 4 bàn thắng.
Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là liệu Nam Mỹ, ngay tại lục địa của mình, có thể cân bằng được thành tích 10 lần vô địch thế giới của châu Âu hay không? Mọi chuyện sẽ phụ thuộc rất nhiều vào vòng bán kết sắp tới, nơi có 2 cuộc đối đầu thuộc hàng kinh điển: Đức gặp Brazil và Argentina gặp Hà Lan. Từ khi trái bóng Brazuca bắt đầu lăn, người Nam Mỹ đã mơ về trận chung kết giữa Brazil và Argentina, nhưng thực tế 2 giải đấu gần đây lại là chuyện nội bộ của châu Âu: Italy - Pháp năm 2006 và Tây Ban Nha - Hà Lan năm 2010.
Hà Lan từng 3 lần lọt vào trận chung kết World Cup (1974, 1978 và 2010), nhưng chưa một lần đăng quang. Năm 1978, tại Buenos Aires, Hà Lan đã gục ngã trước Argentina sau 120 phút (3 - 1), bởi một cú đúp của huyền thoại Mario Kempes. Đó là chức vô địch thế giới đầu tiên của Argentina, là nguồn cảm hứng để Diego Maradona tái lặp thành tích đó vào năm 1986.
Brazil và Đức vẫn được ví như những “gã khổng lồ”, nhưng thật ngạc nhiên là họ mới chỉ gặp nhau một lần duy nhất trên những hành trình chinh phục 8 chức vô địch thế giới (Brazil 5, Đức 3). Đó là một ký ức đẹp của người Brazil: Trong trận chung kết tại Tokyo năm 2002, “Người ngoài hành tinh” Ronaldo đã 2 lần chọc thủng lưới Oliver Kahn (2 - 0).
Hà Lan và Đức, phục thù hay thêm nợ đây?
Song Long