Cuối tháng 5 vừa qua, giấc mơ World Cup, dù chỉ là với bóng đá nữ, đã bay vụt qua bầu trời Việt Nam và chưa biết đến bao giờ mới xuất hiện trở lại. Thế nhưng, người hâm mộ Việt Nam cũng được an ủi phần nào, khi biết rằng có một cầu thủ gốc Việt sẽ tham dự lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại Brazil mùa hè này. Đó là Yohan Cabaye.
Không cao, nhưng…
Theo dõi hai trận giao hữu gần đây của đội tuyển Pháp, nhằm chạy đà cho vòng chung kết World Cup 2014, có thể thấy rõ vai trò khác biệt của Cabaye trong hệ thống thi đấu của HLV Didier Deschamps. Tại Saint-Denis (thắng Na Uy 4-0) hay tại Nice (hòa Paraguay 0-0), Cabaye đều chơi ở vị trí thấp nhất trong hàng tiền vệ ba người của đội bóng áo lam, phía dưới Paul Pogba và Blaise Matuidi. Lối chơi của Pháp tại kỳ World Cup này đã được định hình, với Cabaye là “một bánh xe quan trọng”, như khẳng định của Deschamps.
Yohan Cabaye là trụ cột củađội tuyển Pháp tại World Cup 2014. Ảnh:zimbio |
Thông thường, vị trí quen thuộc của Cabaye là tiền vệ chơi nhô cao và hỗ trợ tấn công nhiều hơn. Từ khi khoác áo Lille (Pháp), rồi chuyển sang Newcastle (Anh), cho tới lúc trở lại đất nước hình lục lăng để khoác áo Paris Saint-Germain mới đây, Cabaye vẫn luôn chơi như vậy. Vậy việc sắp xếp một cầu thủ nhỏ con như Cabaye (cao 1,75 m) ở vị trí đó liệu có gì là bất hợp lý?
Thắc mắc đã được giải đáp ở các trận đấu với Na Uy và Paraguay, nơi bộ ba Cabaye - Pogba – Matuidi gây ấn tượng mạnh về khả năng kiểm soát thế trận, điều tiết nhịp độ thi đấu của Pháp. Trong đó, Cabaye làm rất tốt vai trò của một cầu thủ số 6: Thu hồi và luân chuyển bóng nhanh cho các đồng đội. Với khả năng kỹ thuật, sự nhanh nhẹn và nhãn quan chiến thuật tinh tế, Cabaye đã biến một công việc nặng nhọc - vị trí thường dành cho các tiền vệ cơ bắp - trở nên đơn giản.
Theo tiết lộ của Cabaye, thực ra, anh đã được HLV Deschamps ngỏ ý xếp đá ở vị trí “chân đế” từ trước trận play-off lượt đi với Ukraine hồi tháng 11 năm ngoái, nhưng trong trận đấu tại Kiev (Pháp thua 0-2), Cabaye lại không được sử dụng. Phải đến trận lượt về tại sân Stade de France (Saint Denis), Cabaye mới xuất trận và tỏa sáng trong màn lội ngược dòng nghẹt thở của đội bóng áo lam (3-0). Đó chính là cơ sở để Deschamps tiếp tục đặt trọn niềm tin vào Cabaye ở vị trí này, trong chiến dịch tìm kiếm danh hiệu vô địch thế giới lần thứ hai của Pháp, 16 năm kể từ ngày Khải hoàn môn ở Paris tung hô Zinedine Zidane và các đồng đội.
Một ngày nào đó
Nhìn Cabaye chạy trên sân - tuy “mỏng cơm” nhưng lại rất dẻo dai - các fan Việt không khỏi xúc động và tự hào. Dù anh chưa một lần đến Việt Nam, nhưng vóc dáng đó và một phần dòng máu Việt mà anh mang trong người giống như những sợi dây vô hình nối Cabaye với dải đất hình chữ S. Trong rất nhiều cuộc phỏng vấn, khi đề cập đến nguồn gốc Việt Nam của mình, Cabaye đều bày tỏ tự hào về điều này.
Hồi cuối năm 2010, ở tuổi 24, sau khi Cabaye có trận ra mắt đội tuyển Pháp khá muộn màng, cầu thủ khi đó còn khoác áo Lille chia sẻ: “Nếu HLV Laurent Blanc không để ý tới tôi và không gọi tôi vào đội tuyển Pháp, tôi có thể sẽ thi đấu cho Việt Nam. Bà nội tôi là người Việt. Nhưng điều đó giờ đã muộn rồi…”.
Cabaye được sinh ra tại Tourcoing, miền Bắc nước Pháp. Bố anh là Didier Cabaye, một cựu cầu thủ học việc của RC Lens đã phải chấm dứt giấc mơ đá bóng sớm vì chấn thương và sau đó trở thành HLV của Tourcoing FC. Đây cũng chính là cái nôi bóng đá của Yohan và người em trai Geoffrey.
Ông Didier là con của một người lính viễn chinh Pháp với một phụ nữ Việt. “Ông nội tôi đã gặp bà hồi cuối những năm 40, trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam và sau đó, bà theo ông về Pháp”, cậu em nhà Cabaye chia sẻ. Năm 2012, Geoffroy (sinh năm 1990) từng nhận được email của HLV Mai Đức Chung (hiện dẫn dắt CLB Thanh Hóa), đề nghị được xem “giò cẳng” của anh, với ý định tiến cử cho đội tuyển Việt Nam. Geoffrey tiết lộ thêm: “Khi tôi gọi cho bà vào buổi tối hôm đó, bà đã không tin và bật khóc”.
Dù Yohan không thể thi đấu cho đội tuyển Việt Nam vì đã trót mang trên mình màu áo lam và một cầu thủ nghiệp dư như Geoffrey ít có cơ hội vì lý do chuyên môn, vẫn có thể cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc của họ với Việt Nam. Dù ở bất cứ nơi đâu, kể cả không mang quốc tịch Việt Nam, dòng máu Lạc Hồng vẫn luôn hướng về nguồn cội.
Khi ấp ủ ra mắt trang web cá nhân mới đây, “Yo” bày tỏ: “Nó sẽ được phát triển bằng ba thứ tiếng: Tiếng Pháp, tiếng Anh và cả tiếng Việt. Bà tôi là một người Việt Nam. Bản thân tôi cũng muốn được khám phá nền văn hóa Việt và ủng hộ bóng đá Việt Nam, một nền bóng đá thực sự có tiềm năng”.
Mong muốn đó của Cabaye cũng là sự day dứt của nhiều người con gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai trở đi, sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và nhiều người trong số họ không nói được tiếng Việt. Một sự day dứt mà ca sỹ người Bỉ gốc Việt, Phạm Quỳnh Anh, đã trào dâng từ tận đáy lòng: “Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy, một ngày, để chào hồn Người/Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy, để cất tiếng chào Người, Việt Nam ơi”…
Song Long