World Cup 2022: Giải mã nguyên nhân dẫn đến thành công của đội tuyển Maroc

Thành công của đội tuyển bóng đá quốc gia Maroc hiện được xây dựng dựa trên những tài năng trong cộng đồng người Maroc ở nước ngoài, với 14 trong số 26 cầu thủ sang Qatar thi đấu.

Chú thích ảnh
Các cầu Maroc ăn mừng chiến thắng sau khi đánh bại Tây Ba Nha trên chấm phạt đền. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi vượt qua vòng bảng với thành tích ấn tượng, đứng đầu bảng F với 7 điểm (đánh bại Bỉ 0-2, Canada 1-2 và hòa Croatia 0-0), Maroc lại tạo nên "cơn địa chấn" ở vòng 1/8 khi vượt qua đội ứng cử viên vô địch Tây Ban Nha trên chấm phạt đền để tiến vào vòng tứ kết World Cup 2022.

Sinh sống ở nước ngoài, ràng buộc với Maroc

Với việc người hâm mộ nước này đang tận hưởng sự kỳ diệu trên sân cỏ, Maroc đang được một số người coi là ví dụ về cách các quốc gia được xếp hạng ngoài 20 nền bóng đá hàng đầu của FIFA có thể thành công với cộng đồng người nước ngoài toàn cầu của mình để giành chiến thắng.

Cầu thủ nổi bật của Maroc tại giải đấu, Achraf Hakimi, sinh ra ở Tây Ban Nha. Sofiane Boufal, người đóng vai trò quan trọng trong lối chơi của đội tuyển Maroc, đến từ Pháp, trong khi cầu thủ xuất sắc khác là Hakim Ziyech được sinh ra ở Hà Lan.

Với hơn 130 cầu thủ tham dự World Cup đại diện cho một quốc gia không phải nơi họ sinh ra, vấn đề sử dụng cầu thủ trong cộng đồng người nước ngoài không chỉ dành riêng cho đội tuyển quốc gia Maroc. 

Tiền vệ ngôi sao Wahbi Khazri nằm trong số một số cầu thủ gốc Pháp trong đội tuyển Tunisia; trong khi Mỹ, Anh, Australia và chủ nhà Qatar đều triệu tập những cầu thủ sinh ra hoặc sống ở nước ngoài.

Nhưng không đội nào tại giải đấu năm nay có nhiều cầu thủ sinh ra hoặc sống ở nước ngoài hơn Maroc.

Tại World Cup 1998 ở Pháp, Maroc chỉ có 2 cầu thủ sinh ra ở nước ngoài. Nhưng tại kỳ World Cup năm nay, điều đáng kinh ngạc là 14 cầu thủ trong đội hình 26 người của tuyển Maroc sinh, sống ở nước ngoài.

Hiện Maroc có một mạng lưới lớn các tài năng bóng đá để lựa chọn. Năm 2018, các cơ quan ngoại giao của nước này đã ghi nhận 4,2 triệu người Maroc sống ở nước ngoài, ước tính chiếm khoảng 10% dân số vào thời điểm đó.

Mặc dù vậy, cộng đồng người Maroc ở nước ngoài vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với quê hương của họ. Một nghiên cứu vào tháng 9 của Hội đồng Cộng đồng Maroc ở nước ngoài, một cơ quan của chính phủ, kết luận rằng 61% người Maroc ở châu Âu trong độ tuổi từ 18 đến 35 thường về thăm quê hương hàng năm.

Giáo sư Mohamed Ben Moussa tại Đại học Sharjah nhận định: "Nhiều cầu thủ trong đội tuyển Maroc có thể lựa chọn chơi cho các đội tuyển quốc gia châu Âu nhưng thay vào đó lại chọn chơi cho quốc gia gốc của họ".

Fatima-Ezzahra Hayad, một chuyên gia tiếp thị từ Sale, một thành phố ở Tây Bắc Maroc, cho biết việc có một cầu thủ ngôi sao như Hakimi trong đội, người được coi là một trong những hậu vệ hay nhất châu Âu mùa này, cũng tiếp thêm động lực cho đội.

Sự hiện diện của các cầu thủ như Hakimi, Mazraoui và những người sống ở quốc gia khác trong đội tuyển quốc gia Maroc chỉ ra một xu hướng lâu đời như chính World Cup: dòng người di cư Maroc đến châu Âu.

Said Saddiki, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Sidi Mohamed Ben Abdellah ở Fes, nói rằng những người di cư từ Maroc, giống như những người di cư khác từ châu Phi, đều có tình cảm gắn bó lâu dài với quê hương của họ.

"Mối quan hệ mạnh mẽ này được thể hiện trong các sự kiện công cộng lớn như các trận đấu bóng đá. Một ví dụ về điều này là các cuộc bạo loạn diễn ra ở Paris hoặc Brussels khi một đội bóng châu Phi thắng hoặc thua trong một trận đấu lớn", Giáo sư Saddiki nói.

Sau chiến thắng 2-0 của Maroc trước Bỉ, bạo loạn đã nổ ra ở một số thành phố của Bỉ và Hà Lan. 

Đồng quan điểm trên, Mohamed Ben Moussa, Phó Giáo sư về truyền thông tại Đại học Sharjah nói: "Hầu như hộ gia đình Maroc nào cũng có ít nhất 1 thành viên ở nước ngoài. Đội tuyển quốc gia được coi là đại diện cho khía cạnh cơ bản này của bản sắc Maroc hiện đại. Trên thực tế, sống và thành công ở nước ngoài, giống như những cầu thủ bóng đá trên, là một niềm tự hào".

Vai trò của huấn luyện viên trưởng

Một số người hâm mộ Maroc cũng cho rằng đội tuyển của họ tỏa sáng khi đặt các cầu thủ ở trong nước lên hàng đầu và trung tâm.

Chú thích ảnh
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển Maroc Walid Regragui (giữa) ăn mừng cùng các học trò. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau khi Maroc bổ nhiệm cầu thủ bóng đá người Bosnia đã nghỉ hưu Vahid Halilhodzic làm huấn luyện viên trưởng vào năm 2019, ông này đã có một loạt mâu thuẫn với các cầu thủ chủ chốt, như Ziyech và Mazraoui, dẫn đến việc họ vắng mặt trong đội tuyển Maroc.

Vào tháng 8, ông Halilhodzic được thay thế bằng Walid Regragui, một huấn luyện viên người Pháp gốc Maroc, người từng chơi cho Atlas Lions và một số câu lạc bộ châu Âu.

Gần như ngay lập tức, ông Regragui triệu tập cả Ziyech và Mazraoui vào đội hình tham dự World Cup 2022 ở Qatar. Chiến lược gia 47 tuổi này được truyền thông Maroc khen ngợi "rất giỏi trong việc thu phục lòng quân". Ông mềm mỏng khi trò chuyện với học trò và cứng rắn khi cần thể hiện cái uy giữa phòng thay đồ. Sau chiến thắng trước Tây Ban Nha, huấn  luyện viên 47 tuổi này sẵn sàng dẹp bỏ khoảng cách giữa hai thế hệ và nhảy nhót ăn mừng cùng cầu thủ Maroc.

Không còn sự thù ghét hay bầu không khí ngột ngạt dưới thời huấn luyện viên Halilhodzic, tập thể Maroc đã lột xác dưới bàn tay của ông Regragui. Sự hứng khởi trở lại phòng thay đồ Maroc trước mỗi trận đấu.

Công Thuận/Báo Tin tức (Tổng hợp)
WORLD CUP 2022: Maroc hiên ngang vượt qua Tây Ban Nha
WORLD CUP 2022: Maroc hiên ngang vượt qua Tây Ban Nha

Maroc cho thấy họ nghiên cứu rất kỹ lối chơi của Tây Ban Nha, do đó đội bóng đến từ châu Phi chọn lối chơi quyết liệt, thay vì lùi sâu đội hình để tử thủ. Điều này khiến cho Tây Ban Nha dù kiểm soát bóng nhiều nhưng không thể kiểm soát thế trận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN