Lo giá, chiết khấu tăng
Theo Channelnewsasia, các dịch vụ của Uber và Grab khắp châu Á đã trở nên phổ biến nhờ các khoản giảm giá, khuyến mại cho khách hàng và ưu đãi cho tài xế. Các hãng cạnh tranh nhau khốc liệt để giành giật thị trường.
Trong khi lái xe bị chia rẽ về việc ưu đãi của Uber hay Grab tốt hơn thì họ đều chung một lo ngại là mức chiết khấu sẽ tăng lên khi mà sức cạnh tranh giảm.
Nhiều lái xe lo ngại về vụ Uber sáp nhập vào Grab. Ảnh: Channelnewsasia |
Rennu Mahajan, người đã có 3 năm rưỡi lái xe cho cả Uber và Grab ở Singapore, cho biết một số bạn lái xe của bà lo ngại vì họ sẽ không thể chuyển đổi giữa hai dịch vụ. Tài xế 57 tuổi này tin rằng giá tiền sẽ tăng lên, thiệt hại cho khách hàng và nếu giá tiền không tăng thì chiết khấu sẽ tăng, thiệt hại cho lái xe.
Đối với ông Ricky Tan, người đã lái xe cho Uber ở Singapore hơn 1 năm nay, lo ngại nếu Grab áp đặt kiểm soát giá mạnh hơn, nhiều khách hàng sẽ lựa chọn phương tiện giao thông công cộng.
Ông Mervyn Tan, quản trị một nhóm Facebook gồm 28.000 người dùng Uber và Grab ở Singapore, cho biết rất nhiều lái xe hỏi về hợp đồng của họ với Uber. Họ sợ mất việc khi Uber sáp nhập vào Grab. Nhiều người lái xe cho Uber từng bị Grab cấm cũng băn khoăn về khả năng không được Grab chấp nhận.
Một số tài xế Uber ở Singapore cho biết họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gia nhập Grab.
Andre Pereira, một hành khách 24 tuổi sử dụng cả Uber và Grab, đoán rằng Grab có thể dễ dàng tăng giá vì Grab giờ là ứng dụng duy nhất.
Theo Reuters, sau khi thâu tóm Uber, Grab cho biết vụ sáp nhập sẽ giúp hãng này tiến nhanh trên con đường hướng tới lợi nhuận trong ngành kinh doanh dịch vụ vận tải và sẽ trở thành hãng có hiệu quả chi phí tốt nhất Đông Nam Á.
Trên trang web, Grab cho biết hành khách có thể hưởng dịch vụ tốt hơn nhờ hãng có nhiều tài xế hơn và có nhiều lựa chọn di chuyển hơn trên một ứng dụng. Grab khẳng định giá sẽ không thay đổi. Đối với lái xe, hãng này cho biết cơ cấu ưu đãi và lợi nhuận sẽ giữ nguyên.
Tuy nhiên, sau vụ công ty chia sẻ xe Didi Chuxing của Trung Quốc mua lại mảng kinh doanh của Uber ở Trung Quốc năm 2016, số lượng lái xe đã giảm mạnh vì ưu đãi cho lái xe giảm và và có quy định mới về cư trú đối với lái xe.
Trong 1 năm sau khi Uber ở Trung Quốc rơi vào tay Didi Chuxing, tỷ lệ nhận chuyến của tài xế giảm từ 15 đến 50% trong các thành phố lớn ở Trung Quốc.
Theo công ty phân tích dữ liệu di động App Annie, năm 2017, Grab xếp vị trí thứ 5 trong các ứng dụng hàng đầu dựa trên số người dùng hoạt động hàng tháng ở Singapore, còn Uber xếp thứ 7. Ở Indonesia, hãng Go-Jek đứng thứ 9, ngay trên Grab.
Các nước phản ứng ra sao?
Theo Cơ quan Vận tải đường bộ Singapore, vụ Uber sáp nhập vào Grab tại Đông Nam Á có làm mất sự cạnh tranh ở Singapore hay không sẽ được chính phủ tập trung đánh giá. Phát ngôn viên cơ quan này nói: “Chúng tôi sẽ đảm bảo không có người chơi duy nhất nào trên thị trường được thống lĩnh ngành này để làm hại lái xe và hành khách”.
Khách hàng lo sẽ bị Grab áp giá cao hơn. Ảnh: Reuters |
Cơ quan Vận tải đường bộ Malaysia đã phát một tuyên bố tương tự, cho biết sẽ “phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp lý và người tiêu dùng có liên quan như Ủy ban Cạnh tranh Malaysia để bảo vệ khách hàng trước những điều khoản bất công”.
Mặc dù có những ứng dụng chia sẻ xe tương tự trên từng thị trường Đông Nam Á, như Go-Jek ở Indonesia, nhưng các ứng dụng này nhỏ và chỉ hoạt động ở một quốc gia, không thể so với Grab và Uber vốn đã hiện diện khắp khu vực.
Các lái xe ở Campuchia, một trong những mặt trận cuối cùng trong cuộc chiến các ứng dụng, cho biết cạnh tranh rất khốc liệt và thị trường sẽ không dễ dàng với Grab.
Một lái xe Campuchia tên Krem Sokhom nói: “Nhiều người quen dùng Uber rồi, Grab chưa mạnh ở đây. Uber mạnh hơn. Grab chỉ là người đến sau”.