4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu hơn 3 tỷ USD nhờ doanh nghiệp FDI

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 7,78 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,17 tỷ USD. Nhờ đó, cả nước xuất siêu 3,39 tỷ USD.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 70,37 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại di động tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 14 tỷ USD. Tiếp đến là EU đạt 13,2 tỷ USD; Trung Quốc đạt 10,7 tỷ USD; ASEAN đạt 7,9 tỷ USD...

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD. Tiếp theo là Hàn Quốc với kim ngạch nhập khẩu đạt 15,5 tỷ USD; ASEAN đạt 9,9 tỷ USD; Nhật Bản đạt 5,9 tỷ USD...

Thực trạng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được nhắc đến tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu của Bộ Công Thương diễn ra tuần trước.

Khối FDI chiếm trên 70% xuất khẩu. Bộ Công Thương cho biết, điều này tiềm ẩn những rủi ro. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới...), xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Các chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất đem lại kết quả tốt nhưng cũng thể hiện việc xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khối doanh nghiệp này. Điều đó không chỉ khiến xuất khẩu - động lực chính của tăng trưởng - trở nên nhạy cảm và bấp bênh hơn trước những biến động của kinh tế thế giới, mà giá trị gia tăng của sản xuất và xuất khẩu Việt Nam thu được rất thấp.

Mặt khác, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện đạt 45,25 tỷ USD; máy vi tính và sản phẩm điện tử, linh kiện đạt 25,9 tỷ USD... đều nằm trong tay các doanh nghiệp FDI.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là các doanh nghiệp nội địa phải nâng cao sức cạnh tranh và tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4 năm 2018 ước đạt 650 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN