Theo ông Nguyễn Văn Quyền, để có thể xuất khẩu được sản phẩm gia cầm sang Nhật, công ty phải mất 2 năm xúc tiến, hoàn thiện mọi thủ tục. Khó khăn nhất là xây dựng chương trình quản lý giám sát riêng của công ty theo tiêu chuẩn của Tổ chức OIE của thế giới và tổ chức thú y của Nhật Bản.
Đặc biệt, Nhật Bản quan tâm đến dư lượng kháng sinh có trong sản phẩm; vi sinh vật trong danh mục cấm không có trong thịt gia cầm; sản phẩm có nguồn gốc từ con gia cầm không mắc các bệnh cúm gia cầm…
Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng đệm an toàn dịch cũng rất khó khăn, tuy nhiên việc này công ty đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm và hỗ trợ. Công ty đã đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất theo quy trình an toàn sinh học để phục vụ xuất khẩu, áp dụng công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới.
Hiện công ty có 2 trại giống và 3 trại thương phẩm (chỉ để phục vụ xuất khẩu). Ngoài ra, còn có 6 - 7 trại sản xuất phục vụ thị trường trong nước.
Ông Quyền cho biết thêm, ngoài thị trường Nhật Bản, công ty cũng đã tìm hiểu các thị trường khác như châu Âu, Australia, Canada. Mỗi thị trường này đều có một chiến lược, đáp ứng theo tiêu chuẩn riêng của mỗi nước.
"Đã vào được Nhật Bản thì các thị trường khác không ngại, bởi Nhật Bản là thị trường khó tính nhất hiện nay", ông Quyền nhấn mạnh.