Nỗi lo khó thanh toán các khoản nợ đến hạn
Cách đây hơn 5 năm, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã đầu tư dây chuyền công nghệ 4.0 cho các nhà máy tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai để đón đầu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Tổng vốn đầu tư cho dự án này lên đến 25 triệu đô la Mỹ (USD), thanh toán theo từng hợp phần. Việc đầu tư dây chuyền mới được công ty triển khai mạnh nhất vào năm 2019. Tuy nhiên, ngay sau đó tình hình hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài.
Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc VitaJean, hiện đã đến thời điểm công ty phải thanh toán khoản nợ còn lại. Nếu không trả được sẽ bị chuyển sang nợ xấu, ảnh hưởng đến điểm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Trong khi đó, với tình hình dịch kéo dài như hiện nay, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về dòng tiền.
“Chúng tôi rất mong ngân hàng có thể xem xét hỗ trợ doanh nghiệp khoanh lại khoản nợ đầu tư tài sản cố định cho hết thời gian dịch bệnh. Nếu được, phía ngân hàng cho phép giãn nợ trong vòng một năm để doanh nghiệp tập trung nguồn lực lo cho công nhân cũng như có nguồn tiền đầu tư gối đầu nguyên phụ liệu và triển khai phương án kinh doanh phục hồi sau dịch”, ông Việt nói.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Việt cho biết thêm, các doanh nghiệp trong ngành dệt may ở TP Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Hiện chỉ 15% doanh nghiệp dệt may đáp ứng yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng công suất hoạt động cũng chỉ ở mức 35%; còn lại 85% doanh nghiệp phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất. Chuỗi cung ứng theo đó bị gãy đỗ rất nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng và dòng tiền của doanh nghiệp.
Do đó, đại diện Hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh đề nghị ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành được giãn thêm khoản nợ nguyên phụ liệu. Đồng thời, giảm thêm lãi vay khoảng 1 điểm % đối với các khoản nợ hiện hữu. Trước đó, chính sách giãm lãi vay của các ngân hàng bình quân từ 0,5% đến 1,2 điểm % nhưng rất ít doanh nghiệp được giảm lãi tối đa. Điều này chưa đủ thuyết phục và cũng chưa giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm đang rất “chật vật” trong việc nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, trong cả mùa dịch, rất ít doanh nghiệp trong ngành này được hỗ trợ khoanh nợ, dù ngành ngân hàng liên tiếp công bố chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND thành phố xem xét kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép giãn nợ đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, từ nay cho đến 4-6 tháng tới, doanh nghiệp không phải trả các khoản nợ đến hạn. Quy định này áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn mà không cần nộp thêm thủ tục, chứng từ chứng minh, vì bản thân các doanh nghiệp nằm trong vùng dịch và đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.
“Đợt trước, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải nộp nhiều chứng từ chứng minh mức độ ảnh hưởng do dịch… Điều này rất khó có doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu nên rất ít doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, đề xuất trên sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ tốt hơn, song cũng không tác động hay ảnh hưởng đến dòng vốn của các ngân hàng. Bởi lẽ, doanh nghiệp chỉ xin không trả nợ đáo hạn khoảng thời gian này để có nguồn lực duy trì sản xuất, còn các khoản lãi vẫn thanh toán bình thường”, bà Lý Kim Chi giải thích.
Việc hỗ trợ nằm trong “tầm tay” của ngành ngân hàng
Thực tế không chỉ 2 nhóm đối tượng doanh nghiệp trên, tổng hợp phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang đối mặt với rất nhiều khó khăn về dòng tiền.
Các doanh nghiệp kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh làm việc với ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khoanh nợ, giãn nợ và xem xét lại chính sách hỗ trợ lãi suất. Trong giai đoạn giãn cách này, rất nhiều doanh nghiệp tới hạn trả nợ gốc, lãi… do đó, chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng cần được triển khai nhanh chóng để kịp thời trợ lực cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất trong giai đoạn khó khăn này.
Dưới góc độ của ngân hàng thương mại, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chia sẻ, bản thân các ngân hàng rất thấu hiểu sự khó khăn của doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp gặp khó thì các ngân hàng cũng không tránh được khó khăn.
Giữa tháng 7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có buổi họp với 16 ngân hàng thương mại và tạo ra sự đồng thuận trong việc hỗ trợ giảm lãi cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn do COVID-19. Tuy vậy, việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào khả năng tài chính của từng ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng phải ưu tiên quan tâm đến đối tượng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, những doanh nghiệp khó khăn ít hơn, có thể chia sẻ điều này để các ngân hàng dành nguồn lực tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đang thực sự khó khăn, do kinh doanh bị giảm doanh thu, thậm chí thua lỗ.
“Định hướng của Sacombank là giảm lãi suất 1 điểm %/năm cho các khách hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, do nguồn lực hỗ trợ của ngân hàng có hạn và mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp khác nhau, nên thực tế cũng có doanh nghiệp được hỗ trợ nhiều hơn và cũng có doanh nghiệp đang hoạt động tốt thì được giảm ít hơn”, ông Tuệ cho biết.
Đối với các khoản nợ đến hạn mà nhiều doanh nghiệp đang lo lắng, đại diện Sacombank chia sẻ, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ cơ cấu do COVID-19 không được xem là đối tượng để phân loại xếp loại nợ. Do đó, các doanh nghiệp đã được cơ cấu nợ vẫn được vay mới nếu có nhu cầu.
Mặt khác, theo nội dung của Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 ngày 13/3/2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể được cơ cấu khoanh nợ lên tới 12 tháng. Vấn đề “đau đầu” của nhiều doanh nghiệp hoàn toàn có thể được giải quyết theo quy định hiện hành.
Hiện Sacombank cũng đang triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19. Không chỉ riêng Sacombank, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vùng phong tỏa.
Chẳng hạn, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), đại diện ngân hàng cho biết, sẽ giảm lãi suất cho gần 18.000 khách hàng vay, với mức giảm bình quân từ 1%/năm cho 3 nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19. Đặc biệt, HDBank là ngân hàng đầu tiên dành ưu tiên quan tâm giảm lãi suất cho khách hàng thuộc địa bàn phong tỏa, giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16.
Bên cạnh đó, ngân hàng này tiếp tục thực hiện chương trình “Chung tay chia sẻ - Vững bền vượt qua” điều chỉnh giảm lãi suất đến 4,5% so với lãi suất hiện hành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, không yêu cầu chứng minh thiệt hại COVID-19.
Để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ giám sát chặt chẽ việc đồng thuận giảm lãi suất cho vay giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng thương mại vừa được ký kết, đảm bảo sự đồng thuận này đi vào cuộc sống và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực nhất.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hiện ngành ngân hàng đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tổ chức triển khai có hiệu quả cao nhất việc hỗ trợ theo nội dung của Thông tư 03. Đồng thời sẽ đưa ra nhiều giải pháp thực thi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, dễ dàng, nhất là các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp.