Hôm nay khối ngoại đã bán ròng 222 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là phiên bán ròng thứ 8 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 137 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND và KDH bị bán ròng nhiều nhất, lần lượt là 100 tỷ đồng và 69 tỷ đồng. Tiếp đến, HPG và VCI cũng bị khối ngoại bán ròng lần lượt là 51 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng 86 tỷ đồng trên HNX, trong khi chỉ mua ròng 1 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/10, VN-Index giảm 9,88 điểm xuống 1.269,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 794 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 19.090,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 269 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,93 điểm xuống 225,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 59,8 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.517 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 93 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,41 điểm xuống 91,73 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 42,3 triệu đơn vị xuống 547,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 118 mã tăng giá, 143 mã giảm giá và 105 mã đứng giá.
Rổ cổ phiếu VN30 có tới 23 mã giảm giá, trong khi chỉ có 5 mã tăng giá, 2 mã đứng giá. Các mã giảm mạnh như GVR giảm 4,12%, VRE giảm 2,62%, VIB giảm 2,34%, BCM giảm 2,26%, POW giảm 2,01%. Các mã ACB, BVH, CTG, FPT, BID, MBB, MSN, SAB, TPB, VJC đều giảm hơn 1%.
Các cổ phiếu chứng khoán cũng ngập trong sắc đỏ. Theo đó, HCM, SHS, FTS, CTS, VDS cùng giảm trên 2%. VCI, SSI, VDS giảm nhẹ hơn 1%.
Nhóm nguyên vật liệu, năng lượng, công nghệ thông tin, viễn thông cũng ở chiều giảm giá.
Tỷ giá tăng trở lại trong ngắn hạn đang có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang thử thách vùng 1.300 điểm – khu vực đỉnh của năm.
Thống kê cho thấy, mỗi khi tỷ giá tăng vượt quá 2% thì thị trường chứng khoán thường xảy ra nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu nhiều áp lực trong ngắn hạn.
Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), tỷ giá USD/VND chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể kéo dài thời gian hạ lãi suất hơn so với dự kiến. Chỉ số USD-Index (DXY) đã tăng lên mức 103, cao nhất trong 4 tuần qua, tạo áp lực lên tỷ giá tại các thị trường mới nổi; trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, số liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy sự ổn định, tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD. Tại Việt Nam, yếu tố mùa vụ cũng góp phần vào sự tăng cao của tỷ giá, khi nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh trong dịp cuối năm để phục vụ mùa lễ Noen và năm mới. Bên cạnh đó, nhu cầu USD gần đây cũng gia tăng do các doanh nghiệp cần hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế.
Vị chuyên gia từ VPBankS cho rằng, phần lớn sự tăng của tỷ giá trong thời gian qua là do yếu tố mùa vụ. Trong thời gian tới, xu hướng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn được duy trì và đồng USD có khả năng chững lại hoặc giảm nhẹ.
Sau tháng 10, nhu cầu USD dự kiến sẽ giảm, giúp tỷ giá bình ổn hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng đang thực hiện các biện pháp hút bớt tiền, điều này có thể giúp kiềm chế đà tăng của tỷ giá trong thời gian tới.
Tỷ giá tăng cao đã tác động ngay lập tức đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Khi tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái rút ròng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua kênh tín phiếu cũng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán, ông Sơn nhận định.
Tỷ giá hôm nay 22/10 giữa đồng Việt Nam (VND) so với Đô la Mỹ (USD) tăng mạnh trở lại tại các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, lúc 8h39, tỷ giá USD tại Vietcombank và BIDV cùng niêm yết ở mức 25.085 - 25.445 VND/USD (mua vào - bán ra). So với giá niêm yết đầu giờ sáng hôm qua, giá USD hôm nay tại Vietcombank đã tăng 95 đồng, còn BIDV tăng đến 125 đồng.
Tính từ đầu năm, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank đã tăng hơn 1.000 đồng, tương đương hơn 4%.