Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1.924 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2016).
Thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài bởi tiềm năng dân số hơn 90 triệu người, kinh tế phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng đều 12% mỗi năm trong vòng 10 năm qua.
Trong nửa đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh đã đón nhận nhà bán lẻ 7-Eleven
gia nhập thị trường. Chỉ trong thời gian ngắn, thương hiệu này đã có 4
cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh.
Các thương hiệu ở các lĩnh
vực ăn uống, thời trang, mỹ phẩm nổi tiếng như Tous Les Jours, Baskin
Robbins, Highland Coffee, KFC, Lotteria, PizzaHut, Old Navy, Zara, Nars
cũng xuất hiện ngày càng nhiều, mở rộng mặt bằng kinh doanh.
Gần đây, trước làn sóng thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại, các nhà bán lẻ trong nước cũng mở rộng thêm các mặt bằng kinh doanh, trung tâm thương mại, các nhà bán lẻ trong nước, điển hình là Vingroup và Coop.Mart để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước.
Bất động sản bán lẻ cũng tăng trưởng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu. 6 tháng đầu năm, nguồn cung phân khúc trung tâm thương mại cao cấp tại TP Hồ Chí Minh đón nhận 19.000 m2, nâng tổng nguồn cung bán lẻ toàn thành phố lên hơn 858.000 m2.
Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường JLL cho thấy: Cửa hàng tiện lợi tiếp tục phát triển nhanh với tổng diện tích sàn hơn 244.000 m2, chủ yếu đến từ các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước như Vinmart, Circle K, B’mart, Satrafoods...
Triển vọng thị trường, theo JLL, từ nay đến cuối năm, TP Hồ Chí Minh sẽ đón nhận khoảng 103.000 m2 diện tích sàn bán lẻ. Trong đó được chờ đợi nhất là Garden Mall (tên gọi cũ là Thuận Kiều Plaza) và Pearl Center.
"Các nhà bán lẻ trong nước được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc duy trì hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu bán lẻ quốc tế đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh tại Việt Nam", JLL nhận định.
Còn tại thị trường Hà Nội, Công ty Nghiên cứu thị trường Savills cho biết: Trong Q2/2017, tổng nguồn cung bán lẻ đạt gần 1.250.000 m², tăng 0,4% theo quý và 7,4% theo năm. Công suất thuê trung bình duy trì xu hướng đi lên với mức tăng 3,5 điểm % theo quý nhờ hoạt động cải thiện tại cả ba loại hình: bách hóa, trung tâm mua sắm và khối đế bán lẻ.
Mua bán - sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra
Trên thị trường bán lẻ, những thương vụ lớn như Thái Lan mua lại Metro, Big C đã được chốt trong 2 năm qua. Do đó, nhiều người cho rằng sắp tới xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) trong phân phối, bán lẻ, tiêu dùng sẽ ảm đạm.
Vinmart+ sẽ không được bán cho khối ngoại dù 7-Eleven có muốn mua lại. |
Tuy nhiên, ngoài 2 tên tuổi thuần Việt là Vingroup và Saigon Co.op không có ý định bán cho nước ngoài thì các tên tuổi như Thế giới di động, FPT Shop, điện máy Pico, Media Mart, Trần Anh... đều để mở phương án M&A. Trước đó, Pico đã nằm trong tầm ngắm của rất nhiều đối tác từ Nhật Bản, Thái Lan.
Đặc biệt, mới đây Quỹ đầu tư ACA Investments - thuộc Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) mua 20% vốn cổ phần tại Bibo Mart cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm đến các doanh nghiệp tiềm năng tại Việt Nam. Họ sẽ tìm đến các chuỗi phân phối, bán lẻ chuyên nghiệp để làm cầu nối cho các doanh nghiệp nước họ thâm nhập thị trường. Do đó lĩnh vực M&A vẫn sẽ sôi động.
Trao đổi với Tin Tức, các chuyên gia của diễn đàn Mua bán - Sáp nhập nhận định: Với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong 3 năm tới và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm, 7-Eleven thực sự mạnh. Dự báo, xu hướng M&A của
7-Eleven có thể diễn ra trong một vài năm tới. Hiện tại, có thể 7-Eleven vẫn đang tìm đối tác để mua lại nhằm gia tăng nhanh vị thế của mình ở Việt Nam.