Bản tin MXV 11/4: Thị trường phân hóa, giá các mặt hàng nông sản tăng rất mạnh

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 4, thị trường hàng hóa phục hồi trở lại sau khi đã giảm rất mạnh trong tuần trước đó.

Mức tăng rất mạnh hơn 6% của nhóm nông sản đã kéo chỉ số MXV-Index tăng gần 2% lên mức 2.941,1 điểm.

Chú thích ảnh

Mặc dù vậy, giới đầu tư trong nước vẫn tỏ ra khá thận trọng trước các diễn biến thất thường của giá hàng hóa. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình 4.300 tỉ đồng mỗi phiên, giảm không đáng kể so với mức trung bình của tuần cuối tháng 3.

Chú thích ảnh

Nhóm nông sản tăng đột biến

Sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago trong tuần vừa rồi. Trong đó, dẫn đầu là mức tăng đột biến gần 10% của lúa mì Kansas. Trong bối cảnh dư âm từ việc diện tích gieo trồng và tồn kho lúa mì quý đều thấp hơn dự đoán trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hồi cuối tháng 3, việc chất lượng lúa mì vụ đông sụt giảm rất mạnh do hạn hán là yếu tố chính thúc đẩy giá lúa mì. Bên cạnh đấy, nguồn cung ở khu vực Biển Đen vẫn đang là một vấn đề đáng lo ngại khi tình trạng căng thẳng tại đây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Chú thích ảnh

Mức tăng mạnh của nhóm lúa mì cũng kéo theo giá ngô tăng gần 5% lên mức 7,75 cents/giạ, bất chấp việc tồn kho ngô Mỹ trong báo cáo Cung - cầu Nông sản tháng 4 của USDA không thấp như dự đoán, và tiêu thụ ngô cho sản xuất ethanol giảm mạnh trong báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Đối với nhóm đậu tương, cả khô đậu và dầu đậu đều tăng mạnh nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá đậu tương. Tồn kho đậu tương Mỹ trong niên vụ 21/22 được dự báo ở mức 260 triệu giạ, thấp hơn mức dự đoán và giảm mạnh so với báo cáo Cung - cầu tháng 3, là yếu tó chính giúp cho giá đậu tương tăng mạnh đến gần 7%. 

Giá dầu thô suy yếu

Chuyển sang các thông tin về nhóm năng lượng, giá dầu tiếp tục suy yếu với dầu thô WTI giảm 1,02% xuống 98,26 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1,54% xuống 102,78 USD/thùng. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung thấp dần là nguyên nhân chính gây áp lực đến giá.

Chú thích ảnh

Bất chấp chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn còn tiếp diễn, tuy nhiên lo ngại về mất cân bằng cung – cầu trên thị trường năng lượng nói chung và thị trường dầu thô nói riêng giảm dần, khi mà các nước tiêu thụ dầu lớn liên tục tung ra các chính sách nhằm “hạ nhiệt” giá. 

Cụ thể, việc các nước thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA kết hợp với Mỹ nhằm tung ra 240 triệu thùng dầu trong đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ lần thứ 2 trong năm 2022 là yếu tố chính đẩy giá dầu WTI xuống dưới vùng 100 USD/thùng. Như vậy, theo dự kiến, trong vòng 6 tháng thị trường sẽ được bổ sung khoảng 1,7 triệu thùng dầu/ngày, phần nào bù đắp sản lượng thiếu hụt từ Nga. 

Dữ liệu cho thấy sản lượng dầu và khí ngưng tụ từ Nga trong tháng 3 vừa qua vẫn ở mức trên 11 triệu thùng/ngày, giảm không đáng kể 50.000 thùng/ngày so với tháng 2, gợi ý ngành năng lượng của Nga có thể chưa chịu hậu quả quá nghiêm trọng dưới tác động của các lệnh cấm vận của Mỹ và một số nước phương Tây.

Thông tin Thượng Hải, thành phố đóng góp gần 3,8% GDP và gần 4% nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc, tiếp tục tiến hành phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19 cũng là một yếu tố gây áp lực đến giá. Theo công ty tư vấn Dragonomics, 73 trong số 100 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã áp dụng các hạn chế để phòng dịch. Đây có thể là yếu tố cản trở đà tăng trưởng cũng như nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn thứ 2 trên thế giới. 

Dù vậy, đà giảm của giá dầu phần nào được hạn chế, khi giới phân tích nhận định thị trường sẽ tiếp tục duy trì trạng thái thiếu hụt. Việc các chính phủ mở kho dầu dự trữ cũng có thể cản bước các nhà sản xuất tư nhân gia tăng sản lượng. Trong tuần vừa rồi, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tăng 16 giàn khoan lên tổng số 9 chiếc, mức cao nhất kể từ tháng 03/2020. Tuy nhiên, theo báo cáo dầu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, sản lượng dầu thực tế tại Mỹ vẫn chỉ ở mức 11,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn đáng kể mức 12,3 triệu thùng/ngày trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. 

Dòng tiền “thận trọng” đối với nhóm kim loại

Đối với các mặt hàng kim loại quý, giá vàng tăng 1,1% lên 1.945,9 USD/ounce, giá bạc tăng 0,7% lên 24,8 USD/ounce. Trái lại, giá bạch kim giảm 1,3% về 975 USD/ounce. 

Dòng vốn rời khỏi các thị trường rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử hỗ trợ cho sức mua trên thị trường kim loại quý. Tuy nhiên, mức tăng của các mặt hàng kim loại đều không quá mạnh, bởi, triển vọng trong dài hạn của cả vàng, bạc và bạch kim đều tiêu cực vì các chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). 

Biên bản họp tháng 3 của cơ quan này được công bố trong tuần vừa qua cho thấy, các quan chức đã đồng thuận với việc cắt giảm bảng cân đối kế toán, đồng thời, mạnh tay hơn trong việc nâng lãi suất để kiềm ché lạm phát. Những động thái này đã khiến cho đồng USD tăng mạnh cũng và hạn chế sức mua đối với cả ba kim loại quý.

Trong tuần vừa qua, chỉ số Dollar Index đã chạm mức 100 điểm, tuy nhiên do áp lực chốt lời lớn nên giảm về 99,8 điểm. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng mạnh gần 20 điểm lên 2,7% cho thấy dòng tiền đang rời khỏi các thị trường trú ẩn. 

Chú thích ảnh

Với nhóm kim loại cơ bản, trong khi giá đồng tăng nhẹ 0,8% lên 4,72 USD/pound, thì giá quặng sắt giảm gần 4% về 155,7 USD/tấn. Mức tăng không đáng kể của thị trường đồng cùng với sự sụt giảm của thị trường quặng sắt phản ánh rõ rệt sức ép từ Trung Quốc, khi mà nền kinh tế thứ hai thế giới đang phải vật lộn để chống chọi với dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất và xây dựng bị hạn chế tới mức tối đa, nên nhu cầu với các kim loại cơ bản cũng giảm bớt và gây sức ép lên giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Bản tin MXV 8/4: Giá kim loại trái chiều nhau
Bản tin MXV 8/4: Giá kim loại trái chiều nhau

Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng giá 31 mặt hàng đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam khi kết thúc phiên hôm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN