Mặc dù thị trường đã trùng xuống do tâm lý trước nghỉ Lễ hồi trung tuần tháng 12, nhưng trước diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, dòng vốn đã tăng nhẹ trở lại trong tuần vừa rồi giúp giá trị giao dịch trung bình toàn Sở vượt lên trên 3.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Sắc xanh phủ kín các mặt hàng nông sản trước Lễ Giáng sinh
Kết thúc tuần giao dịch 20/12 – 26/12, sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago.
Khô đậu tương tiếp tục là mặt hàng dẫn dắt đà tăng của các sản phẩm đậu tương nói riêng và toàn bộ nhóm nông sản nói chung trong 2 tuần liên tiếp. Với mức tăng mạnh lên đến 6,4%, giá khô đậu tương đóng cửa ở mức 400,5 USD/tấn Mỹ, cao nhất kể từ giữa tháng 05 đến nay. Lo ngại về nguồn cung đậu tương khi thời tiết khô hạn kéo dài ở miền nam Brazil và miền bắc Argentina, kết hợp với nhu cầu cao trong ngắn hạn, thể hiện ở cấu trúc nghịch đảo giá, là các yếu tố chính thúc đẩy giá khô đậu, đặc biệt là đối với các hợp đồng tháng gần.
Giá đậu tương cũng tăng mạnh hơn 4% lên mức 1.340,75 cent/giạ, bất chấp các số liệu bán hàng có phần tiêu cực trong báo cáo Export Sales và không phát sinh bất cứ đơn hàng lớn theo ngày nào trong suốt tuần vừa rồi.
Mặc dù ảnh hưởng tích cực từ mức tăng đến 5,5% của dầu cọ và 4,3% của giá dầu thô WTI, nhưng áp lực trái chiều với khô đậu khiến cho giá dầu đậu tương chỉ tăng 2,7%, lên mức 55,42 cent/pound khi kết thúc tuần.
Lúa mì là mặt hàng có mức tăng mạnh thứ hai trong nhóm nông sản, chỉ sau khô đậu. Thời tiết khô và nhiệt độ cao ở vùng đồng bằng trung tâm Mỹ, khiến cho tuyết không kịp bao phủ cây trồng trước khi băng giá xuất hiện, làm tăng rủi ro về thiệt hại, kết hợp với mưa lớn ở Australia khiến việc thu hoạch bị chậm trễ, cùng với đồng Dollar suy yếu là các yếu tố hỗ trợ giá lúa mì trong tuần vừa rồi. Đóng cửa, lúa mì Chicago tháng 03 tăng mạnh 51% lên mức 814,75 cent/giạ.
Ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của lúa mì cùng các mặt hàng nhóm đậu tương và lo ngại về sản lượng do khô hạn ở Nam Mỹ, cũng giá giá ngô tháng 03 tăng hơn 2% lên mức 605,75 cent/giạ. Đà tăng của ngô có phần bị hạn chế bởi sản lượng ethanol giảm mạnh 36.000 thùng/ngày trong báo cáo tuần của EIA, về mức 1,05 triệu thùng/ngày.
Nhóm nguyên liệu công nghiệp tăng yếu
Trên thị trường cà phê, diễn biến trái chiều quay trở lại trên hai Sở. Giá Arabica kết thúc tuần ở mức 231,2 cents/pound, thấp hơn 1,3% so với tuần trước. Giá Robusta tăng nhẹ 0,9% lên 2.353 USD/tấn. Giá Robusta hiện rẻ hơn giá Arabica tới 54% nên đã thúc đẩy lực mua trên Sở ICE EU nhằm thu hẹp lại mức chênh lệch này giữa hai Sở.
Những yếu tố cơ bản đang thuận lợi hơn cho đà tăng của giá Robusta hơn giá Arabica, bởi tiến độ thu hoạch ở Việt Nam đang chậm trễ hơn so với các năm trước vì thiếu hụt nhân công. Bên cạnh đó, vì đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, nên các hoạt động hậu cần trong nước và vận tải quốc tế cũng bị chậm trễ nhiều.
Điều này có thể làm ảnh hưởng tới khối lượng xuất khẩu cà phê trong các tháng đầu năm 2022, vốn là giai đoạn xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dù có sự khác biệt nhất định về diễn biến giá trong tuần vừa qua, nhưng giá của hai mặt hàng cà phê vẫn đang giao dịch rất vững vàng ở vùng đỉnh 10 năm.
Giá bông đóng cửa trong sắc xanh tuần thứ ba liên tiếp với mức tăng 1,7% lên 109,1 cents/pound. Sau cú giảm mạnh vào đầu tuần, thị trường bông hồi phục cùng với đà tăng của các thị trường đầu tư trên thế giới. Bên cạnh đó, do những khó khăn trong chuỗi cung ứng, nên khối lượng xuất khẩu của năm nay giảm mạnh so với năm ngoái. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá bông tăng lên mức cao nhất trong vòng một tháng, nhưng vẫn còn cách khá xa với mức đỉnh 10 năm là 125 cents.
Hai mặt hàng đường cũng tăng trở lại khi mà biến thể Omicron không quá nguy hiểm như những lo sợ trước đó. Giá đường 11 tăng 0,7% lên 1924 cents/pound, giá đường trắng tăng 1% lên 503,3 USD/tấn. So với những mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, sự hồi phục của giá đường yếu hơn, bởi không còn nhiều tin tức hỗ trợ cho giá trong giai đoạn này.
Thị trường kim loại có một tuần giao dịch thăng hoa
Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1,8% lên 22,9 USD/ounce, giá bạch kim tăng mạnh 4,4% lên 975,1 USD/ounce. Cả hai mặt hàng đều đã quay trở lại mức giá cao nhất trong vòng một tháng. Thông thường, giá các mặt hàng kim loại quý sẽ không tăng nếu như dòng vốn đổ về các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử, tuy nhiên, đầu tuần vừa qua, toàn bộ các thị trường trải qua cơn “bán tháo hoảng loạn” bởi nước Anh có thể tiến hành phong tỏa.
Vì thế, sau đó, khi các tin tức được cải thiện dần, và biến thể Omicron dù lây nhiễm nhanh nhưng cũng không quá nguy hiểm, giá bạc và bạch kim cũng tăng trở lại nhờ vào tâm lý tích cực của các nhà đầu tư.
Các mặt hàng kim loại cơ bản cũng đóng cửa tuần trong sắc xanh. Giá đồng tăng 2,3% lên 4,393 USD/pound, giá quặng sắt cũng tăng gần 4% lên 124,5 USD/tấn. Cả hai mặt hàng đều hồi phục cùng với các thị trường tài chính nói chung. Bên cạnh đó, những kỳ vọng về các gói kích thích của Trung Quốc, sẽ đẩy mạnh nhu cầu sản xuất công nghiệp của nước này cũng là một yếu tố hỗ trợ tốt cho cả hai mặt hàng.
Các mặt hàng khác như nhôm hay kẽm cũng tăng mạnh khi mà các nhà máy ở Châu Âu phải cắt giảm sản lượng do giá năng lượng tăng quá cao. Giá nhôm đóng cửa tuần tăng 4,5% lên 2.846 USD/tấn, giá kẽm cũng tăng hơn 4% lên 3.527 USD/tấn.
Dầu thô bứt phá
Giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong tuần giao dịch trước với tâm lý ưa thích rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính chung. Kết tuần, giá WTI tháng 2 tăng 4,34% lên 73,79 USD/thùng trong khi giá Brent tháng 3 tăng 3,19% lên 75,79 USD/thùng.
Các tin tức liên quan đến đại dịch COVID-19 tiếp tục là thông tin chủ đạo quyết định hướng đi của thị trường trong tuần vừa rồi. Tuy vậy, khác với các báo cáo bi quan trong thời điểm trước, các nghiên cứu đưa ra trong tuần vừa rồi gợi ý mặc dù tốc độ lây lan nhanh hơn, tuy nhiên các triệu chứng do biến thể Omicron gây ra có thể nhẹ hơn đáng kể so với chủng Delta.
Điều này tạo ra kỳ vọng dịch có thể sẽ kết thúc nhanh hơn dự kiến khi số lượng miễn dịch trong cộng đồng tăng lên. Điều này kéo theo các tài sản rủi ro từ cổ phiếu, hàng hóa cho đến tiền điện tử đồng loạt tăng, trong khi các tài sản an toàn như đồng USD giảm giá.
Bên cạnh đấy, gần 1 tháng từ khi chủng Omicron xuất hiện, tuy nhiên ít có dấu hiệu cho thấy tiêu thụ dầu của các quốc gia và vùng lãnh thổ lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu đã suy yếu, thể hiện ở các con số tiêu thụ và nhập khẩu dầu thô đồng loạt bật tăng mạnh mẽ. Số lượng chuyến bay trên khắp thế giới tiến gần bằng cùng kỳ 2019 cũng tạo ra kỳ vọng nhu cầu đi lại sẽ duy trì ở mức tích cực bất chấp các lệnh phong tỏa tại một số quốc gia trên thế giới.