Như vậy, giá dầu châu Á đã giảm phiên thứ ba liên tiếp, sau khi các số liệu chính thức cho thấy sản lượng lọc dầu và hoạt động kinh tế ở Trung Quốc chậm lại, giữa bối cảnh đợt bùng phát COVID-19 mới đang làm tê liệt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn hạ 97 xu Mỹ (1,4%), xuống 67,47 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc mất 90 xu Mỹ (1,3%), xuống 69,69 USD/thùng.
Hiện nay, các hãng hàng không lớn trên thế giới đang xoay xở để tái định tuyến các chuyến bay nhằm tránh không phận Afghanistan, do lo ngại tình hình bất ổn tại đây có thể gây dẫn đến những nguy cơ khó dự đoán.
Trên FlightRadar24 - trang web chuyên giám sát các chuyến bay trên thế giới - hiển thị rất ít các chuyến bay thương mại qua không phận Afghanistan, trong khi số lượng các chuyến bay qua không phận các nước láng giềng của quốc gia này là Pakistan và Iran lại tăng đột biến.
Các hãng hàng không Anh là British Airways và Virgin Atlantic cho biết sẽ tái định tuyến, để tránh không phận của Afghanistan. United Airlines của Mỹ cũng đưa ra quyết định tương tự, dù những sự thay đổi về đường bay sẽ ảnh hưởng tới nhiều chuyến bay từ Mỹ tới Ấn Độ của hãng này.
Do lo ngại về những nguy cơ có thể xảy ra liên quan "các hoạt động của các phần tử cực đoan hoặc phiến quân", Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) từ tháng trước đã áp đặt các lệnh hạn chế bay qua không phận Afghanistan đối với các hãng hàng không của Mỹ, cũng như các hãng hàng không do các doanh nghiệp Mỹ điều hành.
Theo FAA, mọi máy bay phải hoạt động trên độ cao 26.000 feet (tương đương 7.924 m) tại khu vực được đặt tên là "Vùng Thông tin chuyến bay Kabul" - vốn bao phủ phần lớn Afghanistan, trừ khi các chuyến bay này đến và đi từ sân bay quốc tế Hamid Karzai.
Trong khi đó, dữ liệu từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy, sản lượng chế tạo và doanh số bán lẻ của nước này đã tăng trưởng chậm lại trong tháng 7/2021 do dịch COVID-19 bùng phát trở lại và lũ lụt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường của công ty CMC Markets tại Singapore cho biết, sự suy giảm của giá dầu trong phiên này chủ yếu là do những số liệu kinh tế yếu hơn kỳ vọng của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ tư thế giới, nhiều nhà phân tích dự báo sức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn trong quý III/2021 do việc gia hạn các lệnh hạn chế khẩn cấp nhằm đối phó với sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 sẽ đè nặng lên hoạt động chi tiêu của các hộ gia đình.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, đà tăng của nhu cầu dầu đã đảo chiều và giảm 120.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm ảnh hưởng hoạt động giao hàng ở Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác ở châu Á.
Ngoài ra, IEA dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng chậm hơn nhiều trong nửa cuối năm nay, khi các biện pháp hạn chế được tái áp đặt ở nhiều nước tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt ở châu Á, được dự đoán sẽ làm giảm hoạt động đi lại và tiêu thụ dầu.