Bất ổn tại Trung Đông đẩy giá dầu đi lên

Giá dầu châu Á tăng trong phiên 9/12 do tình hình bất ổn tại Trung Đông gia tăng. Tuy nhiên, đà tăng đã bị hạn chế bởi triển vọng nhu cầu suy yếu trong năm tới.

Chú thích ảnh
Một giàn khoan dầu ở tỉnh Ilam của Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Chiều 9/12, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 36 xu Mỹ (0,51%) lên 71,48 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 37 xu Mỹ (0,55%) lên 67,57 USD/thùng.

Nhà kinh tế cấp cao Tomomichi Akuta tại Mitsubishi UFJ Research & Consulting, cho biết vụ lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã gây thêm bất ổn chính trị ở Trung Đông - nhân tố hỗ trợ phần nào cho thị trường dầu mỏ. Tuy nhiên, việc Saudi Arabia giảm giá bán dầu cho châu Á và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, gia hạn cắt giảm sản lượng hồi tuần trước cho thấy nhu cầu yếu từ Trung Quốc và giá dầu có thể giảm về cuối năm.

Ông Akuta lưu ý rằng các nhà đầu tư đang theo dõi các dấu hiệu ban đầu về bất kỳ tác động nào đến thị trường từ các chính sách năng lượng và Trung Đông có thể xảy ra của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Saudi Aramco, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã giảm giá bán tháng 1/2025 cho khách hàng châu Á xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, do nhu cầu yếu từ nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc đang gây áp lực lên thị trường.

Ngày 5/12, OPEC+ đã lùi thời điểm bắt đầu tăng sản lượng dầu thêm ba tháng cho đến tháng 4/2025 và kéo dài việc dỡ bỏ hoàn toàn việc cắt giảm sản lượng thêm một năm cho đến cuối năm 2026.

Số lượng giàn khoan dầu khí được triển khai tại Mỹ trong tuần trước cũng đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 9/2024, cho thấy sản lượng từ nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới có khả năng tăng lên.

Với tình trạng dư cung vào năm 2025, cả dầu Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm trong hai tuần liên tiếp vừa qua.

Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ đón nhận một loạt dữ liệu bao gồm báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ, công bố ngày 11/12, mà sẽ cung cấp thêm manh mối về kế hoạch lãi suất của Fed.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết ngay cả việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất cũng khó có thể xoa dịu những lo ngại của thị trường dầu mỏ về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang suy yếu và tác động tới nhu cầu.

Lạm phát của Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong 5 tháng vào tháng 11/2024, trong khi tình trạng giảm phát tại nhà máy vẫn tiếp diễn, cho thấy những nỗ lực nhằm hỗ trợ nhu cầu kinh tế đang suy yếu có tác động hạn chế.

Minh Hằng/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu tăng nhẹ do lo ngại về căng thẳng Trung Đông
Giá dầu tăng nhẹ do lo ngại về căng thẳng Trung Đông

Giá dầu thế giới đã tăng nhẹ vào sáng ngày 9/12, khi căng thẳng tại Trung Đông gia tăng sau sự kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN