Để đảm bảo lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định đồng thời đẩy mạnh đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, hải đảo để phục vụ nhân dân trong dịp Tết nguyên đán, tỉnh Bình Thuận đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Dự kiến mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá Tết Nguyên đán năm 2019 khoảng 147 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với năm 2018. Sáu đơn vị được phân bổ gồm: Công ty Cổ phần Thương mại Bình Thuận (70 tỷ đồng), siêu thị Co.opMart Phan Thiết (47,8 tỷ đồng), siêu thị Co.opMart La Gi (16 tỷ đồng), chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ (1,1 tỷ đồng); doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dịch vụ Tùng Loan (10 tỷ đồng), Trung tâm Dịch vụ miền núi – Ban Dân tộc tỉnh (2 tỷ đồng).
Các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi thuận lợi. Đồng thời, các đơn vị có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa đảm bảo chất lượng, bán hàng đúng theo giá đã cam kết; kịp thời cung ứng đủ hàng khi thị trường biến động…
Ngoài các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự nguyện tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn sẽ được hỗ trợ vay vốn lưu động thông qua các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn mức lãi suất cho vay tại thời điểm thực hiện chương trình để dự trữ hàng hóa, được ưu tiên hỗ trợ mặt bằng để tổ chức các điểm bán hàng bình ổn thị trường…
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, chương trình bán hàng bình ổn được tổ chức trong 4 tháng (từ tháng 11/2018 đến tháng 2/2019) và ưu tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu, hải đảo… Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại các điểm bán cố định, các đơn vị tổ chức thêm bán hàng lưu động tại địa bàn các huyện trong tỉnh.
Để phục vụ Tết Nguyên đán 2019, chương trình bán hàng bình ổn tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn như: gạo, nếp, thịt các loại, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mì tôm, rau củ quả các loại, muối Iốt…
Các mặt hàng phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam… Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình phải bằng hoặc thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm.
Để đảm bảo thị trường ổn định trước, trong và sau Tết, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Công Thương cùng các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường, tập trung kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá theo kế hoạch; xử lý nghiêm những điểm bán hàng bình ổn giá nếu bán hàng không theo giá niêm yết đã đăng ký…