Nguyên nhân bởi trong quý I, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, ngô, cao su, bông, sắt thép. Đây là tiền đề để xuất khẩu có khả năng tăng trưởng tốt hơn trong các tháng tiếp theo.
Công nhân Công ty may mặc New Apparel, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN. |
Bộ Công Thương cũng cho biết, thông thường kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản đều giảm vào đầu năm, tăng vào giữa năm và đạt đỉnh vào cuối năm. Cùng đó, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II. Chính vì thế, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn khá dồi dào trong những tháng tới.
Với mức tăng trưởng này cho thấy những nỗ lực lớn của doanh nghiệp trong việc giữ vững và mở rộng thị trường thông qua các cam kết từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hội nhập khu vực đã mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia thương mại, xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào một số mặt hàng và thị trường. Đơn cử, do mặt hàng điện thoại của Samsung giảm 888 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong quý I, nên tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 15,1% (nếu không có con số sụt giảm này, kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 19%).
Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong nước và các dự án sản xuất hàng để tạo nguồn hàng. Ngoài ra, Bộ tập trung tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thâm nhập vào các thị trường mới.
Để tăng trưởng xuất khẩu duy trì bền vững, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thời gian tới phải tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường xuất khẩu để tránh tình trạng phụ thuộc vào một số mặt hàng chính, một số thị trường chủ lực.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phát huy nội lực của những mặt hàng thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày bằng cách nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để sản phẩm vẫn được người mua tín nhiệm và đứng vững dù thị trường có biến động.