Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay: Các quy định về tiết kiệm ngân sách được quy định cụ thể trong các nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự toán NSNN năm 2018 để các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện.
Hoạt động giao dịch tại Chi cục Thuế quận Thanh Xuân. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN. |
Việc tiết kiệm chi ngân sách đã được thể hiện tại Nghị quyết số 49/2017/QH14 về dự toán NSNN năm 2018 của Quốc hội. Nghị quyết nêu rõ: “...điều hành chi NSNN theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định”.
Liên quan đến việc tiết kiệm trong xây dựng trụ sở, tượng đài, nội dung Nghị quyết số 50/2017/QH14 của Quốc hội quy định: “…kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; hạn chế tối đa việc điều chỉnh danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định”.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán NSNN năm 2018 đã quán triệt các nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ dự toán chi NSNN đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán; chống thất thoát, lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – NSNN.
Cử tri một số tỉnh, thành phố cũng kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên...
Trước kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp căn cơ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay để giảm áp lực trả nợ cho các thế hệ sau, theo Bộ Tài chính, tình hình nợ công, nợ chính phủ năm 2016 và dự kiến năm 2017 vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. Cụ thể: Dư nợ công đến 31/12/2016 bằng 63,6% GDP, nợ chính phủ bằng 52,6% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 44,7% GDP, về cơ bản phù hợp với mục tiêu đề ra.
Dự kiến đến cuối năm 2017, nợ công bằng 62,6% GDP, nợ chính phủ bằng 51,8% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,2% GDP. “Về cơ bản, các chỉ tiêu nợ công vẫn nằm trong ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép”, Bộ Tài chính khẳng định.
Mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP dự kiến năm 2017 đã có cải thiện (thấp hơn so với năm 2016), tuy nhiên theo Bộ Tài chính, vẫn còn có một số tồn tại hạn chế như nợ công tăng nhanh (trung bình tăng khoảng 18,4%/năm trong giai đoạn 2011 – 2016), áp lực trả nợ lớn, việc quản lý và sử dụng vốn vay còn bất cập.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25/2016/NQ-QH về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020.
Theo đó, đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các công cụ quản lý nợ nhằm kiểm soát bền vững nợ công như chiến lược nợ dài hạn, chương trình quản lý nợ trung hạn; hàng năm báo cáo Chính phủ, Quốc hội về tình hình cũng như những vấn đề đặt ra đối với nợ công.
Bộ Tài chính đã công khai khung điều kiện vay của nhóm 6 nhà tài trợ lớn (chiếm đến trên 80% vốn ODA, vay ưu đãi của Việt Nam). Đây có thể coi là bước tiến lớn trong việc công khai, minh bạch về nợ công, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có cơ sở tham chiếu, nghiên cứu các ưu thế nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi trước khi đề xuất huy động vốn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đối với nguồn vốn ODA...
Phía các bộ, ngành, đơn vị phải thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả sử dụng vốn; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm thiểu chi phí vay.