Năm 2023, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với năm trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 30.416 tỷ đồng từ kinh doanh vàng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đặt mục tiêu 35.598 tỷ đồng doanh thu, 1.937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ.
Theo quan sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong bối cảnh lạm phát toàn cầu và suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam vẫn tin tưởng vào vàng như một biện pháp tin cậy chống lạm phát. Nhiều năm qua, vàng luôn là một sự đảm bảo đáng tin cậy. Vì vậy, trong tình hình hiện tại, rất có khả năng rằng những yếu tố này vẫn tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư Việt Nam chú trọng đến vàng.
Bà Louise Street, chuyên gia nghiên cứu thị trường cấp cao tại WGC nhận định, trong bối cảnh đang diễn ra sự bất ổn trong ngành ngân hàng, căng thẳng địa chính trị liên tục và khó khăn kinh tế, vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước tình hình này, dự kiến nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, đặc biệt là khi rào cản từ đồng đô la Mỹ và việc tăng lãi suất đang giảm dần.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá, khi lạm phát trên thế giới chưa được kiểm soát sẽ đẩy giá vàng lên cao. Đây là thị trường sẽ có sự phát triển trong năm 2023.
Mặc dù, kết quả báo cáo Xu hướng nhu cầu tiêu dùng vàng mới nhất của WGC cho thấy, tại Việt Nam, hiện tượng tăng giá vàng đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ vàng trong quý I vừa qua. Cùng với đó, sự đi xuống của thị trường bất động sản và quan ngại về lạm phát khiến cho nhu cầu mua vàng giảm giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo ông Shaokai Fan, ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) đồng thời là Giám đốc Toàn cầu về Ngân hàng Trung ương của WGC, nhu cầu vàng quý I/2022 giảm so với cùng kỳ năm trước một phần do sự tăng trưởng mạnh của vàng trong quý I/2022, nhưng so với các năm trước vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực.
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang triển khai nhiều chiến dịch và chương trình bán hàng để thu hút thêm khách hàng mới và mở rộng thị trường; đồng thời, tối ưu hoá tồn kho thông qua việc thực hiện các điều chỉnh mới về chiến lược cơ cấu hàng hoá.
Như SJC, doanh nghiệp dự kiến mở rộng phát triển kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á. Song song đó, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, hoàn thiện cổ phần hoá và tái cơ cấu theo quyết định của UBND Tp. Hồ Chí Minh.
Trước đó, năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt hơn 27.150 tỷ đồng, vượt 18.760 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp 250 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Cùng năm, doanh thu của PNJ đạt hơn 33.876 tỷ đồng doanh và lợi nhuận đạt 1.807 tỷ đồng, tăng lần lượt 73% và 76% so với năm trước, vượt 31% chỉ tiêu doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận.
Báo cáo tài chính năm 2022 của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2022.
Số liệu mới nhất về luỹ kế 4 tháng đầu năm 2023, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 12.059 tỷ đồng và duy trì mức lợi nhuận sau thuế 859 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022.
Trước đó, thời điểm quý I/20222, đặc biệt từ cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 3, giá vàng liên tục phá vỡ kỷ lục. Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine liên tục leo thang cộng với nỗi lo lạm phát đã không ngừng đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn và khiến giá vàng tăng nhanh. Tại thời điểm này, giá vàng có thời điểm giao dịch trên ngưỡng 74 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường, ngày 23/5, giá vàng SJC giao dịch ở mức 66,55 - 67,17 (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, tương đương 0,22% về giá trị so với thời điểm cuối năm 2022.