Chốt phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên mức 1.975,39 USD/ounce, sau khi giảm tới 1% vào giữa phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1%, xuống mức 1.986,1 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals, cho biết: “Chúng tôi đã thấy một số hoạt động chốt lời sớm hơn trong phiên và sau đó các nhà giao dịch lao vào mua khi giá giảm. Mức giá 2.000 USD/ounce vẫn là con số cho ngắn hạn hoặc thậm chí là mức cao kỷ lục mới của vàng nếu khủng hoảng Trung Đông leo thang”.
Giá vàng đã tăng khoảng 9% trong hai tuần qua, đạt mức cao nhất trong 5 tháng là 1.997,09 USD/ounce vào ngày 20/10. Đợt phục hồi này chủ yếu được thúc đẩy bởi dòng vốn tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hồi giáo Hamas sẽ lan rộng.
Tuy nhiên, Marios Hadjikyriacos, nhà phân tích đầu tư cấp cao tại nhà môi giới ngoại hối XM, cho hay, việc vàng không thể tiếp tục bật tăng mạnh là tín hiệu cho thấy “nhu cầu trú ẩn an toàn đã bắt đầu suy yếu, khi thị trường học cách sống chung với căng thẳng ở Trung Đông”.
Chỉ số đồng USD tăng, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Thị trường đang dồn sự chú ý vào số liệu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày 26/10 và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 27/10. Những dữ liệu này có thể ảnh hưởng đến triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Chris Mancini, Phó giám đốc danh mục đầu tư của Quỹ vàng Gabelli, cho biết: “Hướng đi của vàng trong thời gian tới sẽ gắn liền với biến động của lãi suất. Nếu nền kinh tế suy yếu và thị trường có quan điểm cho rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ suy thoái thì lãi suất có thể sẽ giảm và giá vàng có thể đi lên”.
Tại Việt Nam, vào sáng 25/10, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,9 - 70,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).