Ngày 11/4, KBank cho hay Ngân hàng Trung ương Myanmar (BOM) đã phê duyệt gói thầu của KBank trị giá 35% cổ phần tại Ngân hàng Phát triển Nông dân Ayeyarwaddy (A Bank) của Myanmar. Phó Chủ tịch điều hành KBank Pattarapong Kanhasuwan cho biết gói đầu tư trên sẽ được thực hiện thông qua công ty Kasikorn Vision thuộc sở hữu của KBank. Kasikorn Vision, có ngân sách đầu tư trị giá 14 tỷ THB (420 triệu USD), là công ty được lập ra để tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở nước ngoài cho KBank.
Trong khi đó, SCB - ngân hàng lớn thứ tư của Thái Lan - đã được phê duyệt giấy phép ban đầu về việc thành lập công ty con ở Myanmar, với mục tiêu đạt tổng giá trị các khoản vay trong 5 năm hoạt động đầu tiên đạt 7 tỷ THB (210 triệu USD). Theo thoả thuận cấp phép này, SCB sẽ được mở rộng dịch vụ ngân hàng đối với khách hàng bán lẻ ở Myanmar từ năm 2021.
Ở Myanmar, các ngân hàng nước ngoài có thể được cấp ba loại giấy phép hoạt động, gồm thành lập ngân hàng thương mại là công ty con trực thuộc, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tham gia vào việc huy đông vốn với một ngân hàng bản địa. Bangkok Bank là ngân hàng Thái Lan duy nhất được cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Myanmar từ năm 2015.
Theo Chủ tịch điều hành SCB Arthid Nanthawithaya, mặc dù đã có đại diện tại Myanmar từ năm 2012, nhưng với giấy phép trên SCB kỳ vọng sẽ thành lập công ty con và bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2020. Giấy phép trên cho phép ngân hành này mở công ty con với 100% vốn thuộc sở hữu của SCB và cung cấp các dịch vụ ngân hàng thương mại toàn diện giống như các chi nhánh ở Thái Lan. Theo giấy phép vừa được cấp, SCB được mở chi nhánh tại 10 khu vực kinh doanh lớn.
Ông Arthid cho biết ngân hàng SCB đã sẵn sàng cung cấp các giải pháp tài chính tổng thể cho công ty, doanh nghiệp nhỏ và các khách hàng lẻ và coi Myanmar là một thị trường chiến lược trong quá trình mở rộng mạng lưới kinh doanh quốc tế của mình. Trong giai đoạn đầu, SCB sẽ tập trung vào việc phục vụ các khách hàng doanh nghiệp Thái đang đầu tư tại Myanmar và những khách hàng khác đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và thương mại tại nước này. Hiện đang có khoảng 100 doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư ở Myanmar dưới sự hỗ trợ từ SCB. Khách hàng của SCB chủ yếu hoạt động trong phạm vi rộng, với các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, năng lượng, bất động sản công nghiệp, sản xuất và nông nghiệp.
Theo ông Arthid, SCB đã sẵn sàng làm cầu nối đầu tư, thương mại giữa Thái Lan và Myanmar cũng như các nước CLMV+2n (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc và Singapore). Động thái trên sẽ là nền tảng cho tăng trưởng lâu dài trong tương lai. SCB đánh giá Myanmar là một trong những nước có tiềm năng kinh tế và kinh doanh hàng đầu ở khu vực, hấp dẫn với các nhà đầu tư trên thế giới. Trong 5 năm qua, tăng trưởng GDP trung bình của nước này đạt từ 6-7% mỗi năm.
Thái Lan đã đầu tư khoảng 11 tỷ USD vào Myanmar, đứng thứ ba sau Singapore và Trung Quốc. Thái Lan cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Myanmar sau Trung Quốc, với kim ngạch thương mại trị giá 7,6 tỷ USD trong năm 2019.