Giá vàng dao động trong phạm vi hẹp
Giá vàng giao dịch trong phạm vi hẹp trong phiên giao dịch chiều 14/11 do các nhà đầu tư dè dặt trước khi Mỹ công bố số liệu lạm phát - thông tin có thể làm rõ khả năng liệu Cục Dự trữ liên bang (Fed) có tăng lãi suất nữa hay không.
Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.945,40 USD/ounce sau khi chạm mức thấp nhất trong hơn ba tuần vào thứ Hai (13/11). Giá vàng của Mỹ giao kỳ hạn cũng ổn định ở mức 1.949,50 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào ngày thứ Ba (14/11) và dữ liệu chỉ số giá sản xuất vào thứ Tư (15/11).
Các quan chức Fed, trong đó có Chủ tịch Jerome Powell, tuần trước cho biết họ vẫn không chắc lãi suất có đủ cao để kết thúc cuộc chiến chống lạm phát hay không.
Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lạm phát nhưng lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Tại Việt Nam, cuối ngày 14/11, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 69,55 -70,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu tăng nhờ nhu cầu tăng mạnh
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch 14/11 do kỳ vọng về các yếu tố cơ bản thị trường lành mạnh, sau báo cáo của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho thấy nhu cầu vẫn mạnh và lo ngại rằng nguồn cung có thể bị gián đoạn khi Mỹ đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu dầu của Nga.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 23 xu Mỹ (0,28%) lên 82,75 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 21 xu Mỹ (0,27%) lên 78,47 USD/thùng.
Các nhà phân tích của ING cho biết, sau đợt bán tháo mạnh trên thị trường trong ba tuần qua giá dầu đã tìm được một số hỗ trợ. Mặc dù các yếu tố cơ bản có thể không lạc quan như ban đầu nhưng chúng vẫn mang tính hỗ trợ, với khả năng thị trường sẽ bị thiếu hụt nguồn cung trong thời gian còn lại của năm nay. Họ cho rằng tình trạng dư cung dự báo cho đầu năm tới có thể sẽ không xảy ra nếu Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm nguồn cung.
OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 và giữ nguyên dự báo tương đối cao vào năm 2024.
Bộ Năng lượng Mỹ có kế hoạch mua 1,2 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ dầu mỏ chiến lược sau khi bán số lượng lớn nhất từ trước đến nay từ kho dự trữ vào năm 2022 - điều có thể khiến nhu cầu tăng.
Nhà phân tích Leon Li của trung tâm CMC Markets tại Thượng Hải cho biết, một số yếu tố như liệu Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC có cải thiện quan hệ Trung-Mỹ hay không và Trung Quốc có cắt giảm lãi suất hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế hay không, cũng có thể hỗ trợ giá dầu.
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên 14/11 khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát để qua đó đoán định được kế hoạch lãi suất của Fed trong thời gian tới.
Trong phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,3% lên 32.695,93 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.056,07 điểm, nhưng chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 17.396,86 điểm.
Thị trường chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Đài Bắc và Jakarta đều tăng nhẹ. Tuy nhiên, Singapore, Manila và Bangkok lại đi xuống.
Chuyên gia Stephen Innes tại SPI Asset Management cho biết, mặc dù số liệu kinh tế của Mỹ được dự kiến là tốt, nhưng các nhà đầu tư hoàn toàn nhận thức được rằng những biến động về lạm phát sẽ là rủi ro liên tiếp đối với thị trường.
Các chuyên gia cũng hy vọng cuộc gặp trong tuần này giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình có thể xoa dịu căng thẳng giữa các cường quốc kinh tế và mang lại động lực rất cần thiết cho thị trường.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên 14/11, VN-Index tăng 9,66 điểm, đóng cửa ở mức 1.109,73 điểm. HNX-Index tăng 1,32 điểm, đóng cửa ở mức 227,43 điểm.