Các thị trường châu Á đồng loạt đi xuống chiều 7/11

Giá vàng tại châu Á giảm xuống mức thấp nhất gần hai tuần qua, khi đồng USD mạnh lên và nhu cầu trú ẩn an toàn giảm xuống, trong khi giới đầu tư đang chờ đợi những bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để rõ hơn về đường hướng lãi suất.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bán tại Kota Bharu, bang Kelantan, Malaysia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Vào lúc 14 giờ 17 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.9,30 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 25/10. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm 0,7% xuống 1.974,20 USD/ounce.

Đồng USD tăng 0,3% sau khi chạm mức thấp nhất sáu tuần qua trong phiên trước đó, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Trong khi đó, giới đầu tư ngày càng tự tin rằng Fed có thể sẽ dừng tăng lãi suất sau số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp yếu được công bố tuần trước. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho rằng Fed có thể còn nhiều việc phải làm để kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, giá dầu giảm 1% trong phiên này, qua đó đảo ngược gần hết mức tăng trong phiên 6/11, khi số liệu kinh tế trái chiều từ Trung Quốc và những lo ngại về nhu cầu năng lượng trong mùa Đông đã lấn át tác động của việc Saudi Arabia và Nga kéo dài các kế hoạch cắt giảm nguồn cung.

Vào lúc 14 giờ 14 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 92 xu Mỹ, hay 1,08%, xuống 84,26 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 87 xu Mỹ, hay 1,08%, xuống 79,95 USD/thùng.

Chú thích ảnh
Nhân viên bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Phiên trước, cả hai loại dầu này đều tăng giá sau khi Saudi Arabia và Nga tái xác nhận cam kết cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện đến hết năm nay.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, trong khi lượng dầu thô nhập khẩu tăng mạnh trong tháng Mười, thì tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này lại giảm mạnh hơn dự đoán. Điều này cho thấy nhu cầu toàn cầu yếu.

Những đồn đoán về việc các công ty lọc dầu cắt giảm lượng dầu thô tiêu thụ trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 có thể hạn chế nhu cầu dầu và nới rộng đà giảm của giá dầu.

Bên cạnh đó, những lo ngại rằng một mùa Đông ấm hơn dự đoán tới đây có thể làm giảm nhu cầu năng lượng và nhiên liệu cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến giá “vàng đen”.

Trên thị trường chứng khoán, hầu hết các TTCK châu Á giảm điểm trong phiên chiều 7/11 do hoạt động chốt lời sau đợt khởi sắc gần đây.

Phiên này, Hong Kong (Trung Quốc) là một trong những thị trường mất điểm mạnh nhất, với chỉ số Hang Seng giảm 1,7% xuống 17.670,16 điểm, sau chuỗi khởi sắc kéo dài ba ngày liên tiếp với tổng mức tăng hơn 4%. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải “đi ngang” ở mức 3.057,27 điểm, khi giới giao dịch xem xét số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn dự đoán trong tháng trước. Còn tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,3% xuống 32.271,82 điểm.  

Giới đầu tư đã không thể duy trì đà tăng gần đây trên thị trường nhờ những dấu hiệu cho thấy chu kỳ nâng lãi suất đã kết thúc. Trong khi đó, sự gia tăng trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ trong phiên trước lại làm dấy lên những lo ngại có thể sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa.

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)
Quyết định 'án binh' của Fed tiếp sức cho các thị trường châu Á
Quyết định 'án binh' của Fed tiếp sức cho các thị trường châu Á

Quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp mới đây đã tạo lực đẩy cho các thị trường vàng, dầu và chứng khoán tại châu Á trong phiên chiều 2/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN