Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản chốt phiên tăng 40,15 điểm, hay 0,12%, lên 33.234,14 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 237,69 điểm, hay 1,24%, xuống 18.934,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 6,99 điểm, hay 0,22%, xuống 3.182, điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 14,17 điểm, hay 0,55%, xuống 2.550,02 điểm.
Những lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục gây sức ép lên lòng tin của các nhà đầu tư tại Hong Kong và Thượng Hải, sau khi các quan chức Trung Quốc cam kết hỗ trợ nhưng không công bố các chi tiết kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng.
Sự chú ý hiện đang quay trở lại với những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác nhằm kiểm soát lạm phát.
Ngày 28/6, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, nói các quan chức để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm hai lần, sau khi dừng tăng tại cuộc họp vào tháng Sáu, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào đầu năm ngoái. Ông cho rằng chính sách chưa đủ thắt chặt trong thời gian đủ dài và sẽ cần tiếp tục thắt chặt trong thời gian tới.
Ông Powell nói thêm rằng các nhà hoạch định chính sách chưa quyết định sẽ tăng hai lần liên tiếp hay không và cảnh báo lãi suất có thể vẫn cao, khi Fed nỗ lực đưa lạm phát về mục tiêu 2% từ mức 4% hiện nay.
Các nhà đầu tư đang chờ số liệu về chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân mà Fed quan tâm theo dõi, với chỉ số này cao sẽ gây thêm sức ép tăng lãi suất trong tháng tới.
Tại châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Christine Lagarde, cho biết lãi suất tại Khu vực sử dụng đồng euro sẽ tiếp tục tăng.
Ngay cả Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda cũng đề cập tới khả năng có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã thực hiện trong một thời gian dài, dù giá cả tăng và đồng yen xuống giá mạnh.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 12,96 điểm (1,14%) xuống 1.125,39 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 2,77 điểm (1,2%) xuống 227,48 điểm.