Các tổ chức tín dụng hỗ trợ trên 44.000 khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19

Ngày 2/3, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết: Trong vòng 3 tuần kể từ khi họp với NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng bị thiệt hại do dịch COVID-19, với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước). Ảnh: SBV.

Theo đó, các TCTD đã thông qua các giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai chương trình, sản phẩm tín dụng... để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.

Không chỉ vậy, gần 30 ngân hàng thương mại (NHTM) đã đồng hành cùng Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: TCTD đã chủ động, khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Những hành động này thể hiện sự quyết liệt và trách nhiệm đồng hành, chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng với cộng đồng, đặc biệt là các đội tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời điểm này. 

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các TCTD tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020, Thông báo 35/TB-NHNN ngày 7/2/2020, Công văn số 541/NHNN-TD ngày 4/2/2020 và Công văn 1117/NHNN-TD ngày 24/2 trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại.

“NHNN đang phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả TCTD và các doanh nghiệp trong việc khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra; trong đó NHNN đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đào Minh Tú nói.

"Theo quy luật, sau Tết Nguyên đán mức tăng trưởng tín dụng chậm, cùng với ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 thì tín dụng chưa cao. Do đó, NHNN cho rằng vẫn dư vốn nên chưa đến mức cần tái cấp vốn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Lãnh đạo NHNN cho rằng: Công cụ tái cấp vốn không phải để thực hiện cho những đối tượng như vậy, mà tái cấp vốn chỉ là khoản hỗ trợ thanh khoản trong ngắn hạn. Nếu các TCTD thấy thiếu vốn, NHNN sẽ có nhiều giải pháp chứ không cần phải tái cấp vốn trong thời điểm hiện nay. Hiện tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, trong số đó 54% là dành cho các doanh nghiệp.

Đề cập về nhiều ý kiến lo lắng tình hình nợ xấu ngân hàng sẽ tăng do nhiều khách hàng bị thiệt hại bởi dịch COVID-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, bản chất của việc này không phải từ doanh nghiệp hay do ngân hàng tạo ra. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, các doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm do chịu sự tác động lớn từ dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân có tính khách quan có thể sẽ tạo ra nợ xấu nếu doanh nghiệp không trả nợ được ngân hàng.

Do vậy, để giảm bớt được nợ xấu trong thời gian tới, theo đại diện NHNN, ngoài nỗ lực của ngành ngân hàng thì có sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp, các ngành để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh tốt, đạt được lợi nhuận… Hiện, NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư Quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và một số thông tư của NHNN hướng dẫn các đối tượng được giãn, hoãn hoặc xử lý không chuyển nhóm nợ trong thời điểm khó khăn do thiên tai hoặc các tác động khách quan khác.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã có tác động đến một số lĩnh vực, ngành nghề khác như: Dịch vụ du lịch, giao thông vận tải… nên để tạo điều kiện cho các TCTD cũng như các doanh nghiệp có được sự chủ động và đảm bảo cơ chế pháp lý trong giảm, hoãn hay giảm lãi vay thì cần phải có văn bản có tính chất pháp quy đó là Thông tư.

"Do đó, NHNN đã nghiên cứu thực tế khó khăn của doanh nghiệp để ban hành Thông tư nhằm bao quát được nhiều đối tượng và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tích cực mạnh dạn hoãn, giảm nợ hay giảm lãi vay cho các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Theo dự thảo Thông tư hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong các trường sau: Thứ nhất, khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)

-Thứ hai, khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.

-Phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 giáng đòn vào ngành ngân hàng Hong Kong, Trung Quốc
Dịch COVID-19 giáng đòn vào ngành ngân hàng Hong Kong, Trung Quốc

Giới phân tích mới đây nhận định các ngân hàng của Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ phải đối mặt với tình trạng chất lượng tài sản xấu đi và tăng trưởng cho vay chậm lại trong ít nhất hai quý do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tác động đến thương mại và ngân hàng cho vay tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN