Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay

Năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị  xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. “Trong bức tranh chung của nền kinh tế, năm 2020 đã ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, sự đứt gãy thương mại toàn cầu”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê - TCTK) cho biết cuối giờ chiều 27/12.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tinh Lợi, vốn đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc), tại khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương). Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Theo ông Nguyễn Việt Phong, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm nay đã thiết lập kỷ lục mới với 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. 

“Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2020; đồng thời sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trong năm 2021”, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ cho biết.

Theo TCTK, trong quý IV/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 78,9 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,1% so với quý III/2020. Trong quý IV/2020 có 12 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính chung cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. 

Năm 2020, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%). “Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD”, ông Nguyễn Việt Phong cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Phong cũng đưa ra lưu ý về cán cân xuất - nhập của của Việt Nam với một số đối tác lớn. Theo đó, nếu phân tích 5 thị trường trao đổi thương mại lớn nhất với Việt Nam, xuất siêu chủ yếu đến từ Mỹ (62,6 tỷ USD), EU (20,3 tỷ USD), còn nhập siêu với Trung Quốc (35,4 tỷ USD), Hàn Quốc (27,6 tỷ USD) và ASEAN (6,9 tỷ USD). Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay có sự mất cân bằng nhất, cụ thể Việt Nam xuất khẩu là 76,4 tỷ USD và chỉ nhập khẩu 13,7 tỷ USD. 

Do đó theo đại diện TCTK, trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp Mỹ. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh, thúc đẩy các dự án đầu tư và nhập khẩu nguyên vật liệu để cán cân thương mại của hai nước cân bằng hơn.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần có mục tiêu khai thác, nhập khẩu các sản phẩm có thế mạnh từ Mỹ như năng lượng, nông sản, máy móc thiết bị... để đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững và hài hòa lợi ích giữa hai nước.

Về tác động của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia) đối với hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU từ tháng 8/2020 (thời điểm EVFTA bắt đầu có hiệu lực) đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái, trừ tháng 11. Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu của tháng 8/2020 tăng 4,2%; tháng 9/2020 tăng 8,7%; tháng 10 tăng 6,3% và tháng 12 tăng 3,9%.

Cơ quan thống kê đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tận dụng được lợi thế của EVFTA, nhiều mặt hàng xuất sang EU được giảm thuế ngay về 0% hoặc được giảm thuế theo lộ trình, từng ngành hàng. Một số mặt hàng có lợi thế gồm giày dép, gỗ và các sản phẩm gỗ, thủy sản.

 Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK, trong bối cảnh Mỹ đang có những cảnh báo về việc hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, hoạt động xuất nhập khẩu phải xem xét, cân đối, hài hòa lợi ích giữa hai nước. Đồng thời, các doanh nghiệp phải chứng minh được giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Minh Phương/Báo Tin tức
Việt Nam xuất siêu kỷ lục hơn 20,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020
Việt Nam xuất siêu kỷ lục hơn 20,1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2020

11 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN