Dạo qua nhiều trang mua sắm như Sen đỏ, Lazada, Shopee, hàng nghìn mặt hàng đều được đăng tải giảm giá 50% đến 75%. Các thương hiệu lớn cũng tung ra các mức giảm giá như: H&M ưu đãi với mức đồng giá chỉ từ 150.000 đồng cho một số sản phẩm chọn lọc. Robins Department Store và đại siêu thị thể thao Decathlon tại Vincom Mega Mall Royal City cũng dành tặng khách hàng bão sale lên tới 50% cho nhiều sản phẩm đa dạng. Canifa, Boo, TNG, The Blues... cũng tung những chương trình quà tặng và khuyến mãi hấp dẫn.
Những thương hiệu trang sức uy tín như Thế giới Kim cương, PNJ cũng sẽ áp dụng mức ưu đãi từ 35 - 50% và đưa ra mức giá đặc biệt cho nhiều sản phẩm khác. Cùng với đó, tại nhiều cửa hàng thời trang, đồ mỹ phẩm, guốc - dép trên phố Chùa Bộc, Bạch Mai, Bà Triệu… (Hà Nội) cũng đều trưng biển "Sale off" từ 30 - 50%.
Trong ngày này, có nhiều người tiêu dùng cũng mua được nhiều sản phẩm với giá rẻ nhưng chất lượng khá tốt. Chị Mai Thị Thủy, phố Sài Đồng (Hà Nội) cho biết, trước ngày Black Friday, chị đã dạo qua các cửa hàng có biển "sale off" và mua được khá nhiều thứ nhất là hàng quần áo và đồ gia dụng. Với một người là cán bộ có thu nhập thấp như chị thì việc mua được hàng rẻ và phù hợp nên dịp này chị phải tận dụng ngay.
Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thu Trang, một khách mua hàng tại shop quần áo Nana Shop ở phố Bạch Mai, các cửa hàng có mức giảm giá khá sâu, nhưng nếu so với giá thực tế trước khi giảm thì mức giá ngày hôm nay cũng không “hời” lắm. Việc tăng giá trước rồi giảm giá sốc nhân những ngày khuyến mại đã không còn xa lạ.
“Nên lựa chọn các thương hiệu, cửa hàng uy tín để mua; với các shop nhỏ lẻ, trước khi mua hàng giảm giá, mình thường xem xét rất kỹ mức giá của sản phẩm, cùng chất lượng có đảm bảo”, chị Trang chia sẻ.
Một "chiêu" khác được nhiều chủ cửa hàng sử dụng trong những ngày này là việc trà trộn hàng tồn kho, hàng kém chất lượng để tranh thủ đẩy hàng. Cũng theo chia sẻ của chị Trang cùng nhiều tín đồ mua sắm là đa số các mặt hàng có mức giảm giá mạnh 60 - 70% tại các shop thường là những hàng tồn kho, lỗi mốt. Vì vậy, người mua cũng cần cân nhắc khi lựa chọn các sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhiều năm gần đây, các chương trình giảm giá được nhiều doanh nghiệp và các trang bán hàng online thực hiện. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng ứng tích cực, đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm với giá thành hợp lý, chất lượng đảm bảo.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng không ít các trang bán hàng, chủ cửa hàng lợi dụng dịp khuyến mãi như Black Friday, Noel, Tết... để đẩy hàng tồn, kém chất lượng, hay đội giá lên. Đó là chưa kể đến các chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng khó được như kì vọng của người tiêu dùng, khi số lượng bán trong ngày quá lớn.
Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng giảm giá trong ngày này, nhất là mua hàng online vì không được kiểm tra hàng trực tiếp. Người tiêu dùng nên chọn những trang mua sắm online uy tín để mua hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khi kinh doanh online phải đảm bảo được yếu tố về xuất xứ hàng hóa khi bán hàng online. Các cơ quan chức năng phải kiểm duyệt hàng hóa của tất các các doanh nghiệp tham gia bán hàng online để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hóa gian lận xuất xứ.
Theo bà Ngạc Mai Linh, trưởng phòng đối ngoại Shopee, để đảm bảo hàng hóa đưa lên trang bán hàng có mức giá tốt, chất lượng đảm bảo, doanh nghiệp công khai tỷ lệ phản hồi, các đánh giá của người mua hàng.
Đồng thời, cho phép người mua bán trao đổi với nhau để gia tăng sự tin tưởng. Đồng thời, có chính sách kiểm soát hàng hóa chặt chẽ trước khi đưa lên. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng trong dịp Black Friday, doanh nghiệp tham gia phải cam kết và có chứng từ chứng minh hàng chính hãng và có nguồn gốc rõ ràng.