Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 18… Sự xuất hiện này khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lo ngại về khả năng cạnh tranh khi sản phẩm được bán với giá khá rẻ.
Giảm giá sâu để "hút" khách hàng
Ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, dù mới chính thức vào Việt Nam từ đầu tháng 10/2024 đến nay nhưng sàn thương mại tử (TMĐT) Temu, 18... đã nhanh chóng trở thành hiện tượng gây xôn xao dư luận. Lướt các mạng xã hội Facebook, Instagram, TikTok... người dùng dễ dàng bắt gặp các bài đăng, video chia sẻ những trải nghiệm mua sản phẩm, những ưu đãi hấp dẫn trên các sàn TMĐT này.
Anh Lê Minh Hà (ngụ ở thành phố Thủ Đức) cho biết, khi tải ứng dụng Temu để trải nghiệm, thấy giá quá hấp dẫn, anh đã chốt mua ngay 15 đơn hàng. "Ngay khi mở ứng dụng ra, tôi đã nhận được gói giảm giá tổng cộng 490.000 đồng khi mua 3 đơn hàng. Ngoài ra, có những mặt hàng khách được giảm giá đến khoảng 90% trong lượt mua đầu tiên. Chẳng hạn, chiếc ba lô giá 700.000 đồng được giảm còn 70.000 đồng, thiết bị flycam gắn camera có giá gốc là 727.000 đồng được giảm còn 75.000 đồng hay chiếc túi xách đeo chéo có giá gốc 500.000 đồng giảm còn 50.000 đồng", anh Minh Hà cho biết.
Điều khiến anh Minh Hà thích thú là các đơn hàng này đều được giao trả hàng miễn phí, nếu đơn hàng bị giao trễ hơn 48 giờ so với quy định thì bên mua được hoàn thêm 25.000 đồng trong tài khoản; nếu đơn hàng bị hư hỏng, khách được hoàn tiền 100%; nếu đơn hàng không được giao trong 15 ngày, khách được quyền lựa chọn giữa việc nhận lại đủ tiền hoặc nhận sản phẩm hoàn toàn miễn phí. Còn sau 30 ngày mà không nhận được hàng, khách được hoàn tiền tự động về tài khoản.
Từng có kinh nghiệm mua sắm ở nhiều sàn TMĐT, chị Nguyễn Ngọc Mai thấy sàn Temu thu hút khách hàng do cung cấp thông tin chi tiết về gian hàng và sản phẩm. Những thông số như lượt khách vừa mua, nhà cung cấp uy tín, sản phẩm sắp hết hàng, xếp hạng cao nhất trong tổ chức, sản phẩm vừa được đánh giá 5 sao… giúp chị Ngọc Mai hình dung rõ hơn về sản phẩm và mức độ đáng tin cậy của gian hàng.
“Khi đặt mua chiếc túi đeo chéo có giá 22.8 đồng (đã giảm giá 90%), tôi rất ấn tượng với thông tin '92% khách hàng nói rằng sản phẩm đúng như quảng cáo, chất liệu da bền và mềm mạị, phù hợp cho mọi đối tượng'. Nhờ những thông tin này, tôi tự tin đặt hàng, không cần lo lắng về chất lượng sản phẩm”, chị Ngọc Mai nói.
Tương tự như sàn TMĐT Temu, hiện trên mạng xã hội còn xuất hiện sàn TMĐT 18.com (trang web TMĐT bán hàng sỉ lớn nhất Trung Quốc). Trang mạng này cũng đã cho phép người mua ở Việt Nam đăng ký mua hàng, thanh toán bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Điều này cho thấy, các nền tảng bán hàng trực tuyến của Trung Quốc đang khai thác mạnh ở thị trường Việt Nam và thu hút khá nhiều người mua tại Việt Nam nhưng đa phần các sàn này chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Mặt khác, các sàn thương mại này còn chỉ nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng thanh toán quốc tế (VISA), điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân.
Chia sẻ thông tin về các sàn TMĐT trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, các sàn TMĐT xuyên biên giới kể trên đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam như: quảng cáo, khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ... Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường đối với doanh nghiệp Việt. Vì vậy, Sở đã kiến nghị Bộ Công Thương quyết liệt ngăn không cho hiển thị các mẩu quảng cáo, khuyến mãi vi phạm trên các website, sàn TMĐT, mạng xã hội...; đồng thời, Sở cũng kiến nghị áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc như: ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam đối với các website, nền tảng mua sắm trực tuyến, mạng xã hội vi phạm nhiều lần.
Sẽ tạo sự cạnh tranh khốc liệt
Chia sẻ thông tin vì sao hàng hóa trên sàn TMĐT Temu có giá rẻ, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho biết, Temu do tỉ phú Colin Huang điều hành với chiến lược tập trung bán hàng có giá cực rẻ để thu hút khách hàng. Cụ thể, họ sản xuất hàng với số lượng nhiều, dùng công nghệ làm lợi thế cạnh tranh, đưa hàng tấn công thị trường nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, Temu lấy hàng trực tiếp từ đơn vị sản xuất, áp dụng hệ thống công nghệ cao sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và quảng bá mạnh nhờ có nguồn vốn lớn. Chính điều này đã thu hút được nhiều khách hàng sử dụng mạng xã hội, công nghệ số, trong đó có khách hàng Việt Nam.
Dưới góc độ nhà sản xuất, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang V-Sixtyfour cho biết, việc các mặt hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam mà chưa phải đóng thuế sẽ tác động nhiều nhất đến người bán hàng nhỏ lẻ giá rẻ hoặc hàng không yêu cầu thương hiệu rõ ràng. Điều này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đối với họ, đặc biệt là doanh nghiệp làm hàng ở phân khúc giá rẻ. Do đó, doanh nghiệp Việt sẽ phải giảm giá, nếu giảm giá thì sẽ gần như bán lỗ.
Tương tự, bà Trần Thị Bảo Thu, Chủ thương hiệu Moon Corner cho biết, thực tế có rất nhiều sàn TMĐT như Temu, Shein, 18, Taobao… đã âm thầm xuất hiện trên thị trường từ lâu và giờ mới "bung hàng", tung chiến dịch khuyến mãi để thu hút khách. "Cụ thể như sàn thương mại Temu đẩy mạnh hoạt động tiếp thị liên kết khi người này giới thiệu link cho người khác để nhận hoa hồng đang khá kích thích khách hàng Việt Nam. Chưa kể, hàng hóa trên sàn TMĐT này rất rẻ, thấp hơn nhiều so với các sản phẩm trên các sàn TMĐT của Việt Nam. Việc cạnh tranh về giá như vậy sẽ khiến doanh nghiệp trong nước không chịu nổi do thiếu vốn. Đó còn là sự cạnh tranh không công bằng khi một bên phải đóng thuế, chịu nhiều chi phí phát sinh, trong khi một bên thì không", bà Trần Thị Bảo Thu nói.
Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nếu không quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới, không lâu sau, Việt Nam sẽ trở thành nơi tiêu thụ 100% sản phẩm Trung Quốc; các doanh nghiệp Việt sẽ chết, công nhân sẽ thất nghiệp, phải ồ ạt xuất khẩu lao động. "Vì vậy, muốn kiểm soát hàng hóa trên sàn TMĐT xuyên biên giới, chúng ta nên xem xét thỏa thuận đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc để có thể kiểm soát các sàn TMĐT này. Phải đánh thuế hàng Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các sàn này, có biện pháp kiểm tra hành chính những mặt hàng trên các sàn này, thậm chí có thể cấm các sàn TMĐT của Trung Quốc nếu không tuân thủ quy định, nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước", ông Lê Đăng Doanh đề xuất.
Bộ Công Thương mới đây cũng phát đi cảnh báo người tiêu dùng không giao dịch trên các nền TMĐT chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 18… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Theo Tổng cục Thuế, ngày 4/9/2024, sàn TMĐT Temu (do Công ty Elementary Innovation Pte.Ltd là chủ sở hữu, vận hành) đã được công ty chủ sở hữu đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế số
9000001289.
Về thời hạn khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý 3/2024 (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý 3/2024 là 31/10/2024) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, theo quy định, tháng 10/2024 đơn vị kinh doanh này mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý 4/2024, thời hạn nộp là 31/1/2025 nếu được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.
Bài 2: Siết chặt quản lý để tạo môi trường cạnh tranh công bằng