Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2016 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,91%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 6 nhóm tăng, đứng đầu là thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,18%; giáo dục tăng 0,47%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,11%;đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%.
Khách hàng lựa chọn mua vải thiều tại siêu thị Co.op mart Đinh Tiên Hoàng (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Có 5 nhóm hàng giảm là giao thông giảm 1,97%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; bưu chính viễn thông giảm 0,03% và nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân tăng giá của các mặt hàng có mức cao như giá dịch vụ y tế là do điều chỉnh tăng theo bước 2 (bao gồm chi phí tiền lương) của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, ở 16 địa phương, nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 8,12%, làm cho CPI tăng khoảng 0,28%. Cùng với đó là một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ. Và cuối cùng là do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,16%, giá điện sinh hoạt tăng 0,18%.
Vẫn theo Tổng cục Thống kê, bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,91%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá sát với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.