Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 479,18 điểm (1,67%) xuống 28.143,97 điểm, chấm dứt chuỗi năm phiên tăng liên tiếp, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng tại cuộc họp cuối cùng của Thống đốc Haruhiko Kuroda.
Ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đêm trước đã giảm mạnh với lực cản lớn nhất thuộc về nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, khi các nhà đầu tư lo ngại báo cáo việc làm tháng 2/2023 có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ.
Ngoài chịu ảnh hưởng từ chứng khoán Phố Wall, chứng khoán Nhật Bản còn chịu sức ép của hoạt động bán ra, sau năm phiên tăng liên tiếp.
Các nhà giao dịch đang xem xét quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp mới nhất từ BoJ. Đây là cuộc họp cuối cùng trước khi ông Kuroda từ chức và chức vụ Thống đốc được chuyển sang ông Kazuo Ueda.
Ngay trước khi sàn giao dịch chứng khoán Tokyo mở cửa, số liệu của chính phủ cho thấy trong tháng 1 chi tiêu hộ gia đình ở Nhật Bản đã giảm 0,3% so với một năm trước đó, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 46,02 điểm (1,4%) xuống 3.230,08 điểm; còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 605,82 điểm (3,04%) xuống 19.319,92 điểm.
Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong cho tháng 2/2023 được công bố ngày 10/3 (giờ địa phương). Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần này đã đánh đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 4/3 tăng mạnh hơn dự báo, báo hiệu rằng thị trường lao động có thể bắt đầu chững lại.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 10/3, VN-Index giảm 2, 95 điểm xuống 1.053 điểm. HNX-Index giảm 1,17 điểm xuống 207,86 điểm.