Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn để duy trì kết quả kinh doanh “khủng” gần đây, vốn đã khiến mức định giá tăng vọt.
Chốt phiên này, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 1,4% xuống 27.581,66 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,6% xuống 3.361,59 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,5% lên 25.473,88 điểm,.
Thị trường chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải đã trở thành tâm điểm chú ý sau ba phiên giảm mạnh trước đó sau khi Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp nhằm hạn chế một loạt các ngành nghề như công nghệ và dạy thêm tư nhân. Những động thái này đã làm dấy lên lo ngại về các biện pháp mạnh tay tiếp theo.
Trước những biến động trên thị trường chứng khoán, các hãng truyền thông Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu mối lo ngại của các nhà đầu tư, với lập luận thị trường sẽ sớm ổn định và các quy định mới sẽ có lợi cho nền kinh tế trong dài hạn. Theo tờ Securities Times (Trung Quốc), việc điều chỉnh chính sách trong một số ngành có thể ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh hiện tại của một số doanh nghiệp, song sẽ đem lại lợi ích chung trong trung và dài hạn đồng thời hỗ trợ tiêu dùng trong hầu hết các lĩnh vực khác.
Trong phiên trước (27/7), cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm do hoạt động bán tháo các cổ phiếu công nghệ để chốt lời sau khi giá nhiều loại cổ phiếu đã tăng mạnh trong những ngày gần đây. Chuyên gia Chris Murphy, thuộc công ty thương mại và công nghệ Susquehanna International Group có trụ sở tại Mỹ đánh giá sự náo loạn trong các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc cuối cùng cũng ảnh hưởng đến các cổ phiếu công nghệ của Mỹ. Nhận định này được đưa ra khi giá cổ phiếu của Apple, Alphabet - công ty mẹ của Google và Microsoft đều giảm sau khi các doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh cao hơn dự kiến.
Theo chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ), thực tế trên cho thấy các tài sản rủi ro như chứng khoán có thể sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới do những vấn đề dai dẳng trong chuỗi cung ứng, mối lo ngại về đà tăng trưởng của Trung Quốc và sự thiếu chắc chắn về các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ.
Hiện thị trường chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra trong hai ngày 27-28/7. Trong bối cảnh lạm phát và sự lây lan nhanh chóng biến thể mới của virus SARS-CoV2 làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ, giới phân tích cho rằng các quan chức Fed dự kiến sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như người dân Mỹ vượt qua đại dịch.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 28/7, chỉ số VN - Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.277,07 điểm, trong khi HNX - Index tăng 0,25 điểm (0,08%) lên 306,25 điểm.