Ngoài ra, các số liệu kinh tế kém sáng ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 26 xu Mỹ (tương đương 0,4%) xuống 73,77 USD/thùng lúc 14 giờ 47 phút. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 22 xu Mỹ (0,3%) xuống 69,34 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn đều tăng khoảng 3% vào ngày 28/6 sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6. Con số trên vượt xa mức giảm dự kiến 1,8 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch NS Trading thuộc công ty dịch vụ tài chính Nissan Securities, cho biết thị trường phiên này quay đầu giảm do những lo ngại mới về việc tăng lãi suất ở Mỹ và châu Âu, điều sẽ làm giảm nhu cầu dầu trên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới - gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tái khẳng định quan điểm rằng cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để kiềm chế lạm phát cao. Song các thể chế tài chính này vẫn tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu đó mà không gây ra suy thoái hoàn toàn cho nền kinh tế.
Tăng thêm áp lực cho thị trường là thông tin lợi nhuận của các công ty công nghiệp ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới - đã kéo dài mức giảm hai con số trong năm tháng đầu năm 2023, do nhu cầu yếu làm giảm lợi nhuận.
Giới chuyên gia cho biết việc triển vọng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu yếu đi đã hạn chế đà tăng của giá “vàng đen”, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu hạn chế nguồn cung.
Đối mặt với tình trạng giá giảm, Saudi Arabia trong tháng này đã cam kết cắt giảm mạnh sản lượng trong tháng Bảy, dựa trên một thỏa thuận rộng lớn hơn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) nhằm hạn chế nguồn cung cho tới năm 2024.