Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất là 2.135 USD/ounce vào thứ Hai (4/12) khi các nhà giao dịch đổ xô đi mua vàng trong những tuần gần đây để bảo toàn tài sản do lo ngại cuộc xung đột Israel - Hamas tiếp diễn.
Đặt cược vào việc Mỹ giảm lãi suất đã đè nặng lên đồng USD, từ đó khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua quốc tế.
Chuyên gia Kyle Rodda của chuyên trang về đầu tư Capital.com cho biết, các thị trường đang đổ xô đặt cược vào việc Mỹ cắt giảm lãi suất. Giá vàng có thể tăng cao hơn và sẽ tăng khi có dấu hiệu suy thoái kinh tế.
Tại Việt Nam, vào cuối phiên giao dịch 4/12, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 73,00 - 74,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Trong phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6% xuống 33.231,27 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,1% xuống 16.646,05 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,3% xuống 3.022,91 điểm. Trong khi đó, các thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều tăng. Thị trường Wellington đi ngang.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong phát biểu cuối tuần trước đã cảnh báo rằng vẫn còn "quá sớm" để suy đoán về thời điểm các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ông nói thêm rằng Fed đã chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu điều đó trở nên thích hợp. Bình luận của ông được đưa ra sau khi Thống đốc Chris Waller đề xuất việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào năm tới nếu dữ liệu cho phép.
Các nhà đầu tư cũng đang chú ý theo dõi số liệu việc làm quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 4/12, VN-Index tăng 18,33 điểm lên 1.120,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,12 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 24.229,3 tỷ đồng. Trong khi đó, tuần trước, thanh khoản trung bình trên sàn này chỉ đạt 13,054.35 tỷ đồng. Toàn sàn có 487 mã tăng giá, 59 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 5,05 điểm lên 231,31 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 145,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.852,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã tăng giá, 36 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.
Giá dầu châu Á đảo chiều
Giá dầu châu Á đảo chiều sau khi tăng trong phiên giao dịch chiều 4/12 trong bối cảnh áp lực dai dẳng từ quyết định điều chỉnh sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) và sự bất ổn về tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, mặc dù nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ cuộc xung đột Trung Đông đã hạn chế đà giảm giá.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 73 xu Mỹ (0,9%) xuống 78,15 USD/thùng vào lúc 14 giờ 35 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 64 xu Mỹ (0,8%) xuống 73,43 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ Vandana Hari, tại trung tâm Vanda Insights cho biết, giá dầu thô dường như tiếp tục chịu áp lực từ quyết định của OPEC+. Còn nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho rằng xung đột Israel - Hamas tiếp tục diễn ra đã thúc đẩy đà tăng giá dầu. Ngoài ra, giá dầu có thể tiếp tục chịu áp lực trong thời điểm hiện tại do sự phục hồi kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc và Mỹ.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ đã tăng 5 giàn lên 505 giàn trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 9/2023.