Khi xu hướng thương mại công nghệ số lên ngôi, nhu cầu mua sắm online trở thành thói quen không thể thiếu của người tiêu dùng. Điều này cũng đã khiến các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. Cụ thể, 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn tại TP Hồ Chí Minh sau 20 năm hoạt động, đến nay cũng trở nên lạc hậu và giảm sút hàng hóa nhập về. Thống kê từ khi mở cửa hoạt động trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, cả 3 chợ vẫn chưa thể phục hồi kinh doanh như trước. Năm 2023, lượng hàng hóa nhập về 3 chợ đầu mối giảm 500 - 1.500 tấn/đêm so với năm 2019.
Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, chợ đầu mối chủ yếu kinh doanh rau củ và trái cây. Thế nhưng, gần đây sức mua tại chợ giảm khiến lượng hàng về chợ cũng giảm nhiều. Hiện nay, lượng hàng về chợ bình quân gần 2.500 tấn/ngày, giảm 1.000 tấn so với trước dịch COVID - 19. Nguyên nhân sức mua giảm do hình thức mua sắm trực tuyến đang phát triển, bên cạnh đó còn do các chợ tự phát xung quanh vẫn còn tồn tại. UBND TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố Thủ Đức dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát nhưng đến nay, vẫn chưa có chuyển biến.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đa số đang vận hành theo hình thức: Cung cấp mặt bằng và các dịch vụ hỗ trợ người mua, người bán; giao dịch mua bán và trao đổi hàng hóa trực tiếp giữa người mua và người bán trên số lượng bán buôn; giá cả tự thỏa thuận và thanh toán phần lớn bằng tiền mặt.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho rằng, để vượt qua thách thức trên, các chợ đầu mối và chợ truyền thống cần đẩy mạnh chuyển đổi số. Trong đó, việc định hướng chuyển đổi số cho các chợ đầu mối cần quan tâm đến bốn trụ cột cơ bản, đó là nguồn nhân lực số, quy trình kinh doanh mới, công nghệ và dữ liệu. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố này thì quá trình chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi chuyển đổi số, các chợ truyền thống và chợ đầu mối phải quy hoạch lại các ngành hàng mà mình cung ứng. Ví dụ tại Mỹ, có những chợ đầu mối lớn tạo thành hệ sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa, du lịch… Muốn vậy, chợ phải có các sản phẩm mang thương hiệu riêng, chỉ khi khách hàng đến đó mới có thể mua được.
Trong khi đó, liên quan đến việc chuyển đổi số tại các chợ, bà Trần Thị Hồng Liên, đại diện nhóm nghiên cứu đề án "Phát triển hệ thống chợ tại TP Hồ Chí Minh thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế" (do Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thực hiện) cho biết, hiện nay các chợ đầu mối đang chuyển đổi số, tuy nhiên mới ở mức thấp và trung bình.
"Mức độ "trưởng thành số" của chợ đầu mối gồm 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1 là công ty quản lý chợ hiện đại hóa quản trị nội bộ, thông tin chung về chợ công khai trên website; cấp độ 2, chuyển đổi số quản trị quan hệ khách hàng (thương nhân và khách vào chợ); cấp độ 3, chuyển đổi toàn diện mối quan hệ 3 bên và ứng dụng thương mại điện tử. Hiện cả 3 chợ mới triển khai cấp độ 1", bà Hồng Liên cho hay.
Là đơn vị đẩy mạnh ứng dụng số, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền cho biết, công ty luôn quan tâm về định hướng chuyển đổi số nhằm quản lý tốt chợ đầu mối Bình Điền. Theo đó, công ty từng bước nghiên cứu, học hỏi mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số các chợ đầu mối ở các nước phát triển, chọn lọc phù hợp với thực tế từng giai đoạn để áp dụng đưa chợ đầu mối Bình Điền trở thành một trong những chợ đầu mối văn minh, hiện đại trong nước và khu vực.
Khẳng định việc mua sắm tại các chợ truyền thống vẫn có nét riêng khó thay thế, TS Lê Thị Hải Yến, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, việc mua sắm tại chợ truyền thống vẫn có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng vì đó là nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, mô hình chợ truyền thống hiện hành không còn thoả mãn được những yêu cầu và thói quen mới của người tiêu dùng trong thời đại số. Vì vậy, các chợ phải thiết kế hiện đại hơn, việc này không khó đối với các cơ quan quản lý. Trong đó, Thành phố có thể chọn các giải pháp mang tính phù hợp và có lộ trình để bảo đảm người mua, người bán, nhóm quản lý... có đủ thời gian và sự nỗ lực để thích ứng với sự thay đổi. Mặt khác, các chợ khi thay đổi cũng phải triển khai đồng bộ và hiệu quả, bắt kịp tốc độ thay đổi của thời đại mới. Đặc biệt, chính tiểu thương phải chuyển mình về chất theo hướng phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh...
Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển và tồn tại, các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh ngoài hướng tới vai trò kinh doanh còn có nhiệm vụ trở thành trung tâm logistics của thành phố và phát triển thêm chức năng về du lịch, xuất khẩu...
Cụ thể, các chợ sẽ tập trung phát triển theo 5 định hướng gồm: Phát triển theo hướng hiện đại, giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định cho TP Hồ Chí Minh; đảm bảo cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tiện nghi cho các nhà vườn, thương lái, người tiêu dùng và các nhà kinh doanh; hình thành các hệ thống kiểm soát từ đầu vào, đến khi hàng hóa ra khỏi chợ về các kênh bán lẻ, hình thành các sàn giao dịch tại các chợ đầu mối; phải đáp ứng được các điều kiện như hệ thống kho, dự trữ, nơi chế biến, khu vực bán lẻ, khu vực hậu cần, cấp thoát nước, hệ thống giao thông nội bộ và kết nối với các vùng sản xuất; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu cho các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh.