Số tiền đã cam kết đóng góp nhưng chưa được chuyển về Quỹ vaccine là trên 2.600 tỷ đồng. Trong đó có 541 tỷ đồng từ Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, 444 tỷ đồng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), 300 tỷ đồng của Công ty Golf Long Thành, 200 tỷ đồng của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), 200 tỷ đồng của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)...
Tính đến trưa 14/6, thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia, đã có gần 1,6 triệu lượt tin nhắn ủng hộ với số tiền trên 72,5 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 tỷ đồng so với trưa 12/6. Hiện, ngoài tiếp nhận đóng góp bằng tiền qua tổng đài 1408, Ban quản lý Quỹ vaccine đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Theo Bộ Tài chính, cuộc vận động ủng hộ Quỹ vaccine đang thực hiện rất hiệu quả với sự ủng hộ của toàn nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức đơn vị trong và ngoài nước. Đây là nguồn lực quan trọng để Bộ Y tế mua, tiêm vaccine cho người dân, cộng đồng. Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch sẽ tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14 nghìn tỷ đồng và cần thêm khoảng 11 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng trang web Quỹ vaccine, thông tin về Quỹ được công khai trên trang web này. Theo đó, số tiền các cá nhân, tổ chức gửi đến sẽ được thông báo và gửi biên lai ngay, thông tin được hiển thị ngay trong ngày, công khai từng người, từng khoản ủng hộ. Trang web đó có nêu tên các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cam kết ủng hộ để doanh nghiệp, người dân có thể tham gia theo dõi số tiền ủng hộ của mình đang ở đâu. Những lần xuất quỹ, hồ sơ quyết toán được Bộ Y tế gửi về sau khi tiêm chủng cũng sẽ được công khai.