Chứng khoán 21/2: VN-Index vượt mốc 1.510 điểm

Sự tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, bất động sản và y tế, cùng đà hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index tăng trưởng khá chắc chắn trong phiên chiều.

Chú thích ảnh
 Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Chốt phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index tăng 6 điểm lên 1.510,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 792 triệu đơn vị, tương ứng gần 23.421 tỷ đồng. Toàn sàn có 286 mã tăng giá, 150 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 5, điểm lên 440,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 103,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 2.863,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 158 mã tăng giá, 74 mã giảm giá và 50 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,95 điểm lên 113,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 82,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.703 tỷ đồng. Toàn sàn có 220 mã tăng giá, 120 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, dầu khí, y tế diễn biến rất tích cực. Trong nhóm chứng khoán không còn mã nào ở chiều giảm giá, chỉ có TVS và PHS đứng ở tham chiếu. Tất cả các mã chứng khoán còn lại đều ở chiều tăng giá. Các mã tăng mạnh như: VFS, SHS, CSI, VND, MBS, FTS, AAS, APS, BMS...

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, hầu hết các mã đều ở chiều tăng giá. Theo đó, PLX, POS, PTV, PVB, PVD, PVS, OIL ở chiều giá xanh. Sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu y tế. Hàng loạt mã tăng như: AGP, AMV, BCP, BIO, CDP, CNC, DBM, DBT, DHG...; trong đó, đáng chú ý có MKP và NDC tăng lên giá trần.

Hòa chung sắc xanh là nhóm bất động sản, khi hầu hết các mã đều giao dịch tích cực. Các mã cổ phiếu nóng như BII, HAR, HDC, LDG, MH3, NBB, VRC tăng kịch trần. Các mã vốn hóa lớn nhất ngành bất động sản là VIC, VRE và VHM  đồng loạt tăng giá. Bên cạnh đó, thị trường còn được nâng đỡ bởi các cổ phiếu đầu các ngành khác như: FPT, GVR, SAB, KDH...

Nếu như phiên sáng sắc đỏ tràn ngập tại nhóm ngân hàng, thì đến phiên chiều một số cổ phiếu hồi phục mạnh, trong khi một số khác thu hẹp được đà giảm. Theo đó, đến phiên chiều các mã vốn hóa lớn như: ACB, VCB, BID, HDB... ở chiều giá xanh; trong khi CTG, EIB, STB, TCB... giảm giá.

Về diễn biến khối ngoại hôm nay, khối này mua ròng 175,56 tỷ đồng trên HOSE, 10,9 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi bán ròng 17,22 tỷ đồng trên HNX.

Trong khi đó, tại các thị trường chứng khoán châu Á đã hạn chế đà giảm sau khi sụt mạnh vào đầu phiên 21/2, khi đã có hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á (trừ Nhật Bản) giảm 0,4%.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 196,06 điểm, hay 0,72%, xuống 26.926,01 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 218,12 điểm, hay 0,9%, xuống 24.109,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,07%, hay 2,35 điểm, xuống 3.488,41 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 13,35 điểm, hay 0,49%, xuống 2.731,17 điểm.

Văn Giáp (TTXVN)
Chứng khoán, dầu mỏ, hàng hóa biến động ra sao vì xung đột Ukraine?
Chứng khoán, dầu mỏ, hàng hóa biến động ra sao vì xung đột Ukraine?

Giới đầu tư toàn cầu tỏ ra e dè trước nguy cơ Nga sẽ can thiệp quân sự ở Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN