Trên thực tế, đà tăng của nhóm cổ phiếu này được duy trì kể từ cuối tháng 3/2021 khi một số ngân hàng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2021 cùng các “game” bán vốn cho đối tác chiến lược, tăng vốn, chi trả cổ tức cao… được công bố trong mùa đại hội cổ đông.
Trong danh mục các ngân hàng đang niêm yết, VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) hiện là cổ phiếu có thị giá tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Nếu như đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2020, thị giá cổ phiếu VPB chỉ ở mức 32.500 đồng/cổ phiếu thì đến 26/5/2021 con số này đã là 67.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng 108%.
Đà tăng của VPB đến từ sau thông tin VPBank có kế hoạch bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) với mức định giá 2,8 tỷ USD. Đến ngày 28/4 khi thương vụ này được hoàn tất, cổ phiếu VPB vẫn được định giá hấp dẫn nhờ vị trí dẫn đầu trong phân khúc tài chính tiêu dùng, cùng kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Tiếp theo đó phải kể đến cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) với mức tăng hơn 104% kể từ đầu năm đến nay, hiện giao dịch ở mức 25.400 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh kết quả kinh doanh quý I tích cực cùng triển vọng khả quan trong năm nay, việc ông Nguyễn Đức Thụy (còn gọi là bầu Thụy) nằm trong “ghế nóng” của ngân hàng được cho là nhân tố thúc đẩy cổ phiếu LPB tăng phi mã trong thời gian qua.
Trên thị trường chứng khoán, ông Thụy gây chú ý giới đầu tư khi là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Thaiholdings. Chỉ sau niêm yết chưa đầy 1 năm, thị giá cổ phiếu THD của Thaiholdings đã tăng tới 13 lần, từ mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cổ phiếu lên 197.100 đồng/cổ phiếu tại ngày 26/5/2021.
Với màn tăng phi mã quá ấn tượng ở THD, tại cuộc Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của LienVietPostBank tổ chức cuối tháng 4, cổ đông ngân hàng kỳ vọng ông Thụy sẽ giúp đưa cổ phiếu LPB lên tầm cao mới, ở mức 25.000-27.000 đồng/cổ phiếu, ngang với thị giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Quân đội. Đầu tháng 5, ông Nguyễn Đức Thụy chính thức được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của LienVietPostBank.
Danh mục các cổ phiếu ngân hàng tăng phi mã trong thời gian gần đây, không thể không kể đến cái tên cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Sau một khoảng thời gian dài “ì ạch” với thị giá quanh mốc 15.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu STB cũng không phụ lòng cổ đông khi bắt đầu có tăng tốc kể từ đầu năm đến nay, với mức tăng hơn 74%.
Đặc biệt, kể từ sau đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý I/2021, quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu diễn ra thuận lợi sau 4 năm sáp nhập… đã giúp cổ phiếu STB trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài các cổ phiếu kể trên, cổ phiếu các ngân hàng khác cũng đồng loạt tăng phi mã trong thời gian qua. Chẳng hạn, cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam tăng 94% so với giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020; SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á tăng 84% và duy trì đà tăng liên tiếp chỉ sau 2 tháng niêm yết trên HOSE; NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân cũng tăng ấn tượng với mức tăng hơn 80%; CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tăng 49%...
Theo các chuyên gia, với kết quả kinh doanh quý 1/2021 tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch COVID-19 cộng thêm những thông tin tích cực công bố trong mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua đã giúp dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đặc biệt, “game” tăng vốn sau hai năm gián đoạn đã giúp cổ phiếu nhiều ngân hàng trở nên hấp dẫn trong thời gian qua. Trong báo cáo gần đây về vấn đề tăng vốn, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng từ nay cho đến cuối năm 2021.
Năm 2021 có khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với 2020; trong đó, có khoảng 75% tăng qua chia tách cổ phiếu; 22% từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu, còn lại là thông qua phát hành ESOP (phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động).
Từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc ngân hàng trả cổ tức tiền mặt. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý Tài sản), ngoại trừ các ngân hàng Vietcombank, BIDV và Vietinbank…
Tuy vậy, SSI cũng lưu ý nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng, do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá.