Phiên này tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 2,5% lên 37.284,43 điểm vào cuối phiên sáng. Cổ phiếu của các công ty xuất khẩu được thúc đẩy bởi đồng yen yếu hơn khi chạm mức khoảng 144 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ đầu tháng này.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính cũng đồng loạt tăng điểm. Cụ thể, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,6% lên 17.757,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cũng tiến 0,3% lên 2.725,31 điểm. Các thị trường Sydney, Singapore, Wellington, Taipei, Manila và Jakarta cũng tăng điểm.
Sau cuộc họp ngày 18/9, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất tới 0,5 điểm phần trăm xuống phạm vi 4,75-5% dựa trên niềm tin rằng lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mục tiêu 2%. Ngoài ra, Fed cũng phát tín hiệu có thể giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay và sẽ cắt giảm thêm 1 điểm phần trăm trong năm 2025 và 0,5 điểm phần trăm nữa trong năm 2026.
Tuy nhiên, lựa chọn cắt giảm tới 0,5 điểm phần trăm của Fed đã gây chia rẽ. Một số nhà quan sát cảnh báo rằng quyết định này có thể khiến lạm phát leo thang trở lại, trong khi những người khác nhận định Fed đang nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dữ liệu việc làm yếu kém.
Các thị trường chứng khoán đã tăng trong suốt năm qua do kỳ vọng về chu kỳ thắt chặt lãi suất bắt đầu vào năm 2022 của Fed sẽ kết thúc trong năm nay, khi lạm phát chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt.
Nhưng sau khi tăng đột biến trong giai đoạn ban đầu sau thông báo, chứng khoán Phố Wall đã thoái lui và kết thúc trong sắc đỏ. Giới phân tích chỉ ra các nhà đầu tư đã tính đến mức giảm tổng cộng 1,25 điểm phần trăm trong năm nay, vì vậy một đợt điều chỉnh định giá trên thị trường là khả thi.
Các nhà đầu tư hiện đang chuyển sự chú ý của họ sang cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào thứ Sáu (20/9). Dự kiến các quan chức BoJ sẽ “án binh bất động” sau khi đã khiến thị trường hỗn loạn hồi cuối tháng Bảy với một đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007.
Nhìn chung, các nhà phân tích nhận định quyết định cắt giảm lãi suất tới 0,5 điểm phần trăm của Fed có thể mang tới hiệu ứng tích cực đối với các thị trường chứng khoán châu Á do tạo thêm không gian cho các ngân hàng trung ương khu vực nới lỏng.
Ông Gary Dugan, Giám đốc điều hành (CEO) tại công ty dịch vụ tài chính Dalma Capital, cho biết việc Fed mạnh tay cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực đối với chính sách tiền tệ của nhiều nước và xoa dịu mối lo ngại về đồng nội tệ suy yếu. Theo ông, các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như tài chính và quỹ tín thác bất động sản (REIT) sẽ mạnh hơn nữa. Ngoài ra, các cổ phiếu ngành tiêu dùng cũng sẽ hoạt động tốt khi lòng tin người tiêu dùng lên cao hơn.
Ông Satria Sambijantoro, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty tài chính PT Bahana Sekuritas, cho hay việc Fed cắt giảm lãi suất đang tạo động lực tăng giá cho các đồng tiền của các thị trường mới nổi - động thái đó không đồng nghĩa Fed có quan điểm lo ngại về nền kinh tế Mỹ. Ông kỳ vọng dòng tiền từ nước ngoài đổ vào các thị trường Đông Nam Á sẽ tăng tốc.
Tuy nhiên, chiến lược gia về thị trường mới nổi Brendan McKenna của ngân hàng Wells Fargo thận trọng rằng các đồng tiền châu Á sẽ phải vật lộn để tìm hướng đi và có thể chứng kiến một số đợt chốt lời sau đợt tăng giá gần đây. Nếu các số liệu ủng hộ mức cắt giảm 25 điểm cơ bản sau này, diễn biến đó sẽ củng cố đồng USD và gây sức ép trở lại cho các đồng tiền châu Á.
Theo vị chiến lược gia này, để đà đi lên tiếp tục, Fed cần thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm khác. Ông đánh giá quyết sách ngày 18/9 không mang lại nhiều định hướng cho các đồng tiền châu Á, thậm chí là các thị trường rộng hơn.