Vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 14/12, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 2% xuống còn 21.374,83 điểm, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 1,6% xuống còn 26.094,79 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải chốt phiên với mức giảm 1,5% xuống còn 2.593,74 điểm.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Sydney giảm 1,1%, thị trường Singapore giảm 1,2% và thị trường Seoul giảm 1,3%, thị trường Đài Bắc giảm 0,8%. Ngoài ra, các thị trường Wellington, Manila và Jakarta cũng đều đi xuống.
Hiện trên các thị trường chứng khoán châu Á cũng xuất hiện một số quan ngại sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 13/12 đã hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone, giữa bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với một loạt bất ổn bắt nguồn từ những nhân tố bên trong lẫn bên ngoài.
Cụ thể, ECB điều chỉnh mức dự báo kinh tế Eurozone trong năm 2018 và 2019 lần lượt ở mức 1,9% và 1,7%, thấp hơn các mức dự báo được đưa ra trước đó là 2% và 1,8%. ECB cho rằng kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa, chỉ ở mức 1,5% vào năm 2021. Theo Chủ tịch ECB Mario Draghi, Eurozone đang đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng với những bất ổn kéo dài liên quan tới tình hình địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ thương mại "leo thang" cũng như sự biến động của thị trường tài chính thế giới.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chi tiêu tiêu dùng trong tháng 11/2018 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng ở mức thấp nhất trong 15 năm qua trong khi sản lượng chế tạo của nước này trong tháng 11/2018 tăng 5,4%, mức tăng thấp nhất trong 33 tháng qua.