Các nhà đầu tư cũng e ngại về sự bùng nổ căng thẳng thương mại mới giữa Washington và Bắc Kinh có thể dập tắt mọi cơ hội của một thỏa thuận thương mại.
Chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,7% xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,4%, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,64% xuống 2.589,19 điểm, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Australia giảm 1,3% xuống 5.607,90 điểm.
Trong khi đó, kết thúc phiên sáng chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,25% tương đương 487,45 điểm xuống 21.191,23 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 1,41% tương đương 366,87 điểm xuống 25.696,89 điểm.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Soichiro Monji tại trung tâm Daiwa SB Investments tại Tokyo cho biết, mối quan tâm lớn nhất đối với thị trường chứng khoán hiện nay là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và sự cố về tập đoàn Huawei. Thị trường đang nghe ngóng thời gian hòa hoãn 90 ngày giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào giữa các bên.
Ngày 9/12, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - người phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc, cho rằng thời điểm 1/3/2019 là thời hạn chót đầy khó khăn để đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại lan rộng giữa hai nước. Phát biểu trên đã dập tắt những mong đợi cho rằng giai đoạn đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ được kéo dài.
Giới quan sát cũng lo ngại việc Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Meng Wanzhou bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 và đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc cố tình bán các thiết bị cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ có thể "đổ thêm dầu" vào mối căng thẳng vẫn đang "âm ỉ" giữa Washington và Bắc Kinh. Nhiều ý kiến cho rằng vụ bắt giữ bà Meng có thể trở thành một quân bài "mặc cả" trên bàn đàm phán Mỹ-Trung, trong bối cảnh hai bên đang tăng tốc đàm phán.